Hỗ trợ doanh nghiệp

Tận dụng hơn nữa các ưu đãi từ VKFTA

Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận sau hơn 2 năm có hiệu lực nhưng tỷ lệ tận dụng các cơ hội và ưu đãi trong VKFTA chưa như kỳ vọng.

Kết quả bước đầu đáng ghi nhận 

Ngày 5/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký VKFTA. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, đến nay đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. 

Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh, năm 2015 đạt 37,5 tỷ USD, năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD và năm 2017 đạt 58,5 tỷ USD (tăng 38%). Dự kiến đến năm 2020, kim ngạch thương mại 2 nước sẽ đạt mức 100 tỷ USD.  

Tỷ lệ tận dụng các cơ hội và ưu đãi trong VKFTA của doanh nghiệp Việt Nam chưa như kỳ vọng. Ảnh minh họa: TTXVN.

Hiệp định này cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hiện tại, Việt Nam là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc, trong khi, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 58 tỷ USD; chất lượng nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng ngày càng cao. Các lĩnh vực đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước khá đa dạng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nền kinh tế năng động toàn diện cũng như tiến trình CNH-HĐH của Việt Nam. 

Bên cạnh lĩnh vực hợp tác đầu tư, Hàn Quốc hiện cũng là đối tác thứ hai của Việt Nam về hợp tác phát triển du lịch. Lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh từ 1,8 triệu lượt năm 2016 lên 2,4 triệu lượt năm 2017. Bên cạnh đó, khách du lịch Việt Nam sang Hàn quốc trong năm 2017 là 300.000 lượt, một con số kỷ lục trong những năm qua. 

Đối với lĩnh vực xuất-nhập khẩu, năm 2017, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã tăng 46,3% so với năm trước, đạt 47,7 tỷ USD, nhập khẩu từ nước này đã tăng 20,8%, đạt 16,1 tỷ USD; năm 2017, Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc với 61,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 15 tỷ USD, tăng 31,1%, nhập khẩu đạt 46,8 tỷ USD, tăng 45,5%. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng các cơ hội và ưu đãi trong VKFTA vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng của cả hai bên. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra làdo việc tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp còn hạn chế; bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu, cũng những hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ... Ngoài ra, việc nghiên cứu, áp dụng các ưu đãi trong VKFTA cũng cần thời gian, không thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn... 

Tại Hội thảo về tận dụng ưu đãi từ VKFTA, đại diện của Bộ Công Thương và của KOTRA có chung nhận định rằng việc VKFTA đi vào hiệu lực từ cuối năm 2015 đến nay đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước khai thác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị và cụ thể hoá cơ hội hết sức bài bản, Việt Nam có thể học hỏi để tận dụng và phát huy được những ưu đãi có được từ VKFTA. 

 

Doanh nghiệp Việt cần chủ động trong tiếp cận ưu đãi 

Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN.

Để tăng cường năng lực tận dụng các cơ hội mà VKFTA mang lại, phát biểu tại Hội thảo về tận dụng ưu đãi từ VKFTA, ông Choi Dae Kyoo chuyên gia dịch vụ Hải quan và Thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc-Việt Nam) cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi và nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu và phát triển kinh doanh trong việc tiếp cận với các cơ sở dữ liệu về các FTA để từ đó đưa ra biện pháp phù hợp. Đồng thời, việc thiết lập một mạng lưới chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như VKFTA là hết sức cần thiết. 

Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, để hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam sẽ đưa ra bản dự thảo kế hoạch hợp tác với Hàn Quốc để xuất khẩu sang nước này với các nhóm mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như các mặt hàng nông, thủy sản. 

Ông Hải cho biết hiện chỉ mới có thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc về mặt hàng đông lạnh nhưng chưa có mặt hàng tươi sống. Trong thời gian tới hai bên sẽ hợp tác và đưa ra các chứng nhận này cho mặt hàng tươi sống để giảm thiểu chi phí sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam cũng định hướng đẩy mạnh kết nối các mặt hàng tiêu dùng với các chuỗi cung ứng và phân phối của Hàn Quốc như AEON, Lotte... 

Dự kiến trong khoảng 3-6 tháng tới, Việt Nam sẽ có chương trình hành động để hai bên hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường xuất nhập khẩu có lợi hơn cho cả hai bên theo hướng cân bằng, giảm tỷ lệ nhập siêu, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và hàng tiêu dùng. 

 

Trước đó, nhằm mang đến những thông tin rõ ràng và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi thế mà hai hiệp định FTA này mang lại, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện VKFTA và AKFTA giai đoạn 2018-2020. Đó là: Nghị định số 149/2017/NĐ-CP quy định cụ thể suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện thuế suất và điều kiện được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo VKFTA và Nghị định 157/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện và điều kiện được hưởng ưu đãi trong khuôn khổ AKFT giai đoạn 2018-2020. 

Với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới.

Nên đọc


Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo