Tây Nguyên: Ngày hội văn hóa các dân tộc dưới tán rừng xanh biếc
Sân khấu tựa vào một gốc cây Tung cổ thụ, vòng thân to tròn, trắng xanh, cao ngút mắt. Đây là cánh rừng tự nhiên duy nhất còn lại giữa nội thành Buôn Ma Thuột, được đồng bào buôn Ako Dhong cổ xưa sau tái định cư lập buôn mới ở cuối đường Trần Nhật Duật tiếp tục gìn giữ. Dù mấy năm gần đây nhiều dịch vụ ăn uống, câu cá mọc lên ven suối đã khiến vạt rừng bị thu hẹp, nhưng sắc xanh của những cụm cây lớn vẫn đủ tỏa mát cả thung lũng.
Nhằm đổi mới cách thức tổ chức các ngày hội Văn hoá - Thể thao cho đồng bào các dân tộc thiểu số theo hướng thu hút, hấp dẫn, đạt hiệu quả thiết thực, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã chọn các nội dung chính của đợt hoạt động này là thi văn nghệ dân gian, thi giã gạo nhanh, thi ẩm thực truyền thống và thi diễn tấu chiêng. Trong đó, không những các sản phẩm đoạt giải cấp cụm thi dệt thổ cẩm dân tộc Ê Đê và thi đan lát truyền thống đều được trưng bày tại vòng chung kết, mà các đơn vị và nghệ nhân còn được mang thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác đến, để giới thiệu và bán làm quà lưu niệm. Một sân đấu cũng được san ủi mở rộng cuối buôn Ako Dhong để thanh thiếu niên, đồng bào thi thố kỹ năng đi cà kheo, đẩy gậy và kéo co.
Sau vòng loại tại 2 cụm, có 33 buôn và 2 cụm dân cư dân tộc Ê Đê, 2 thôn người Mường, 1 thôn người Thái và 1 thôn người Tày, tổng cộng lên đến khoảng 3.000 người tham gia. Ngày chung kết 10/3 vừa qua, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng thành tích xuất sắc tiếp tục tranh tài.
Mở đầu phần thi văn hóa, là phần diễn tấu cồng chiêng của đội chiêng nữ dân tộc Mường thôn 3, xã Hòa Thắng. Các mẹ, các chị duyên dáng vung tay như múa trên núm chiêng, trùng trùng lớp lớp sóng âm vang vọng khắp núi rừng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc 77 tuổi chia sẻ: Tiếng cồng chiêng âm vang trong mỗi bản làng từ xưa đã gần gũi thân thuộc với bà con dân tộc Mường, không chỉ là nhạc cụ mà chính là linh hồn của văn hóa cộng đồng.
Đội chiêng thiếu niên buôn M’Duk, phường Ea Tam với phần diễn tấu chiêng tre (Ching Kram) réo rắc, chiêng đồng sâu trầm khiến lòng người mê đắm. Em Y Wăn Êban (sinh 2001) chia sẻ: Em đặc biệt thích chiêng tre vì âm vang trong trẻo, dễ thẩm thấu, lại gọn nhẹ, tiện mang đi mọi nơi.
Nhiều thôn buôn khiến không khí ngày hội càng nô nức rộn rã với các bài diễn tấu cồng chiêng sau mùa thu hoạch, khoe lúa đầy bồ của buôn Cuôr Kap, xã Hòa Thắng, hòa tấu Đing pút của buôn Ea Bông, xã Cư Ebur…
Ẩm thực là phần thi rất hào hứng. Các mẹ chị trong trang phục thổ cẩm, váy áo truyền thống rực rỡ xinh tươi đua nhau nấu nhanh, nấu ngon, bày đẹp các món ăn độc đáo của từng dân tộc sinh sống trên địa bàn thành phố.
Nhóm bếp buôn Kbu, xã Hòa Khánh (TP Buôn Ma Thuột) mang đến cuộc thi 3 món truyền thống của người Ê đê gồm: Canh cà đắng, thịt nướng lá chuối và lá mì xào. Amí Jin vừa nướng thịt vừa vui vẻ kể: Canh cà, lá mì là món ăn dân dã mà quen thuộc mỗi ngày của đồng bào rồi. Còn món thịt nướng lá chuối, thì ít nhà làm do cách chế biến kỳ công hơn. Nướng xong ăn liền mới thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi.
Món táp bò là đặc sản mà người Mường thôn 3, xã Hòa Thắng thể hiện tại hội thi. Ông Phan Văn Hiền, đại diện nhóm giải thích: “Táp” là nướng sát vào lửa cho lớp thịt bên ngoài cháy sém vàng, còn bên trong vừa chín tới để giữ được vị ngọt tự nhiên... Phụ nữ Mường còn thể hiện tài nấu nướng đậm sắc văn hóa của mình bằng món xôi tím, cá nướng ; Đồng bào Tày gây ấn tượng với mâm xôi ngũ sắc dẻo mềm kèm thịt nướng đậm đà, ăn tới no cũng không ngán...
Ông Vũ Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng ban tổ chức cho biết: Ngày hội văn hóa thường niên nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ, động viên, góp phần phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở. Những ngày hội vui này cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc về trách nhiệm phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo