Văn hóa

Tết 1973: Khoảnh khắc “Giao thừa” từ chiến tranh sang hòa bình

Năm 1977, NXB Outback Press, Melbourne, Australia xuất bản cuốn sách: Châu chấu đá xe: Vì sao Mỹ mất Việt Nam cộng hòa (Grasshoppers & Elephants: Why Vietnam fell). Tác giả Wilfred Burchett trong chương 12: Tết hòa bình - The Tet of Peace đã mô tả tâm trạng của người Hà Nội sau Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không dẫn đến ký kết Hiệp định Paris đầu Xuân 1973.

Với nhiều người Việt, Giao thừa 1973 là đẹp nhất, là được “ăn” cái Tết to nhất. Cuộc kháng chiến giành thắng lợi vô cùng quan trọng, kẻ xâm lược phải ký hiệp định cam kết rút hết quân trước toàn thế giới.

 

Nhà ga sân bay Gia Lâm hoang tàn với những lỗ thủng trên tường, mái, những cửa sổ không còn cửa kính, chớp, nhưng những người bạn ở Hà Nội của tôi, mà tưởng như “những trận ném bom của Kissinger” đã biến thành tro bụi, vẫn đứng đó, tay ôm hoa mừng đón tôi. Trên con đường từ sân bay về Thủ đô, xe chúng tôi đi chậm rì, giữa dòng xe cộ kỳ lạ, gồm xe tải, xe ngựa, xe bò, cả những xe ba gác do người già và thanh niên kéo hoặc đẩy. Trên các xe đều chất đầy những giường, tủ, bàn ghế - đồ gia dụng của một gia đình Việt bậc trung hôm nay, với người cao tuổi và trẻ em ngồi đầy trên đống đồ đạc, hoặc ngồi xen giữa chúng. Đạp xe đạp vun vút len lách giữa dòng xe cộ là đàn ông, phụ nữ, đặt trẻ em trên ghế mây buộc đằng trước xe, hoặc trên giá đèo hàng. Đây là cuộc Trở về vĩ đại từ nơi sơ tán. Mỹ tuyên bố đình hoãn ném bom phần phía Bắc đã gần một tháng nay, nhưng các nòng pháo cao xạ vẫn vươn cao hai ven đường và các khẩu đội vẫn cảnh giác, sẵn sàng.

 

 

Tết năm 1973 tại Hà Nội (Ảnh chụp bởi ông Jean-Marc Gravier, nhân

viên mật mã Phái đoàn của Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hà Nội).

 

Gia Lâm, vùng công nghiệp ở ngoại thành nằm trên bờ Bắc sông Hồng, nay xác xơ vì bom, đạn. Nhà máy xe lửa Gia Lâm to lớn ngày nào, nay biến thành một đống thép đổ nát, những tòa nhà sập trên nền những đống sắt vụn đang hoen gỉ và những khung toa xe lửa cháy tan tành. Lối đi xưa, nay ngổn ngang hàng đống gạch ngói vỡ. Một số khung nhà, cửa hiệu mặt tiền trên phố chính đứng trơ trọi trên khung cảnh đổ nát sau lưng chúng. Xe chúng tôi nhảy chồm chồm trên một trong những cây cầu phao, xa xa là cây cầu Long Biên, bị đánh sập một nhịp, đâm xuống dòng sông. Nhưng trên đoạn kề đó đang nhấp nháy ánh lửa hồ quang - những thợ hàn đang miệt mài làm việc, dù lòng lữ khách vẫn se lại vì nỗ lực ấy chỉ như một giọt nước trong biển công việc khôi phục hậu quả của những trận bom. Sự náo nhiệt và sức sống bền bỉ của người dân, vẻ sạch sẽ, tinh tươm các con phố nội thành là một sự tương phản sâu sắc với những cảm giác nặng nề, bởi cảnh đổ nát trên tuyến đường bị bom đánh nát dẫn vào thành phố.

 

  

Tết năm 1973 tại Hà Nội (Ảnh chụp bởi ông Jean-Marc Gravier, nhân

viên mật mã Phái đoàn của Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hà Nội).

 

Tôi trở lại Hà Nội vào ngày giáp Tết âm lịch trong hòa bình, để được hưởng một cái Tết không thể quên được, với tất cả những ai có được nó. Tết Việt Nam giống như sự kết nối dịp lễ Noel và Tết dương lịch ở phương Tây. Đó là một dịp gia đình sum họp, là những hy vọng, những dự định mới cho năm mới, là những bữa ăn ngon, những chuyến du xuân trong phạm vi ngân sách gia đình cho phép. Con phố hẹp dẫn đến chợ Trung tâm (phố Hàng Đào, chợ Đồng Xuân) vào buổi sáng tinh mơ, ngay sau ngày tôi tới Hà Nội, đã san sát những quầy bán hàng Tết, rực rỡ sắc hoa xuân, nhất là những cành đào thắm, và những cây quất cảnh treo đầy những quả nhỏ, rực rỡ như những chiếc đèn lồng xinh xắn. Cành đào và chậu quất là những thứ không thể thiếu được đối với người Việt lúc đón Xuân. Nhưng vẫn còn vô số những loài hoa cảnh, làm chợ hoa Tết ấy tưởng như hoa nhiều chưa từng có, lung linh trên nền của vô số những bể lớn đầy cá cảnh đủ màu, đủ cỡ, của những hoa giấy, tranh Tết, và những băng pháo bọc giấy hồng điều-tất cả những gì chói lọi, những gì mang lại điềm lành. Các gian hàng trong chợ lại đầy ắp những rau và hoa quả, với bánh chưng, bánh giầy-các đặc sản chỉ thưởng thức khi Tết đến. Những dòng suối người tuôn trào, làm nhiều chỗ nghẽn đường, không thể đạp xe nổi. Nhiều chàng trai và cả những cô gái vẫn mang quân phục, đội mũ cát có lưới ngụy trang của Quân đội nhân dân. Nhưng khắp nơi là hàng ngàn gia đình vừa hội ngộ, đang du xuân. Bọn trẻ ngồi lên cổ cha anh, sắc mặt sáng ngời như những cánh hồng, những trái cam chín vàng trong ngày lễ-sắc màu những của ngon vật lạ bày đầy hai bên đường.

 

Đột nhiên, có những nhịp trống rền và những tiếng chũm chọe. Đám đông rẽ ra, nhường lối cho một chiếc xe tải trang trí những biểu ngữ nền đỏ, từ trên đó những người trẻ tuổi phát hành những tờ báo có in một thông cáo đặc biệt. Trang nhất của báo là những hàng chữ lớn, màu đỏ, thông báo Hiệp định Paris vừa được ký kết. Xe tải đi chầm chậm giữa hàng trăm cánh tay vươn lên đón những tờ báo; chốc chốc xe dừng lại, để những người bán báo thông báo nội dung của tin vui đến mức không thể tin ngay. Toàn bộ văn kiện của Hội nghị Paris vừa được ký khoảng 12 giờ trước, nhưng vì từng có bao niềm hy vọng vỡ tan tành trong quá khứ, nên không một bản thông báo được công bố trên đài, hoặc một bản tin nào được in ra, cho tới khi tin tức của truyền thông nước ngoài được Phái đoàn Việt Nam ở Paris xác nhận, và toàn bộ văn bản của Hiệp định gửi đi về được “đến nhà”.

 

Trong khi những chiếc xe tải và xe buýt con lăn bánh từ từ trên phố, phân phát tin vui, hệ thống loa phóng thanh, trong tám năm vừa rồi thường được dùng để phát đi những lời cảnh báo hãi hùng về những thần chết và kẻ hủy diệt đang sầm sập lao tới, nay hồ hởi trong hơi thở của sự sống, truyền đi những điều khoản cơ bản của Hiệp định Paris, rồi, sau quãng cách bởi những bản nhạc cách mạng, là những giải thích về tinh thần, lời văn của Hiệp định. Trên các góc phố chính, những đống báo mới tan đi như núi tuyết dưới mặt trời, những người bán báo mỏi trĩu tay trao báo cho khách mua.

 

 

 

Tết năm 1973 tại Hà Nội (Ảnh chụp bởi ông Jean-Marc Gravier, nhân

viên mật mã Phái đoàn của Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hà Nội).

 

Ba ngày sau là khung cảnh hòa nỗi vui vô bờ của từng người vào một niềm vui chung, chính thức cho toàn dân. Dòng người đi sơ tán trở về Hà Nội tuôn trào qua mọi cửa ô. Chưa bao giờ người Hà Nội có một nguồn cơn tốt lành đến như thế để trẩy hội, cũng chưa tin vui Xuân mới nào về đúng lúc đến thế. Dịp Tết này, vì thế càng trở thành ước nguyện sum họp chưa từng có cho mỗi gia đình Hà Nội. Biết bao cặp vợ chồng đã vì công việc, chức trách, phải xa nhau, xa con cái hàng năm trời đằng đẵng. Con em các gia đình cũng xa cách, chia ly, vì trường lớp đi sơ tán ở những địa bàn khác nhau, đường thư gián đoạn nhiều, do thời chiến. Để bảo đảm cuộc sống cho mỗi người dân, biết bao nghịch cảnh ly tán đã xảy ra. Để rồi nay Hà thành được chứng kiến cuộc tái hợp lớn trong từng gia đình, họ mạc. Và dòng đầu tiên của Hiệp định Paris trở thành món quà Tết mà mỗi người dân Đất Việt có thể tưởng tượng được:

 

“Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”...

 

Hiệp định Paris có nghĩa gì đối với người dân Việt? Trước hết, trong vòng 60 ngày tới, không còn bóng dáng một lính nước ngoài nào trên đất Việt Nam, kể từ ngày quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha đánh chiếm Sài Gòn, năm 1859. Độc lập và thống nhất của Việt Nam được công nhận-lần này, khác với thời kỳ Hội nghị 1954 ở Genève- người Mỹ phải đặt bút ký vào Hiệp định về Việt Nam. Bất kể Thiệu định thực hiện Hiệp định Pa-ri như thế nào ở miền Nam-lần này, khác với Hiệp định Genève 1954, các lực lượng cách mạng miền Nam giữ nguyên vị trí đóng quân (không phải “tập kết” ra Bắc như thời kỳ 1954), súng chắc trong tay, cho đến khi các giải pháp chính trị được thực thi, lúc đó quân đội của hai bên sẽ hợp nhất, với một phần lớn sẽ được phục viên. Các lực lượng cách mạng miền Nam có chính phủ riêng, ngày càng được nhiều nước công nhận.

 

“Hiệp định Genève cho chúng tôi một nửa đất nước được tô màu đỏ”-một người nông dân đến từ ngoại thành Hà Nội mà tôi gặp khi ông đang ngắm xác “quái vật” B-52 trong Vườn Bách thú Hà Nội nói-“Nay Hiệp định Paris đã cho chúng tôi một nửa miền Nam tô màu đỏ. Vậy là phải mất gần 20 năm. Chắc chắn sẽ mất ít năm hơn nhiều, để tô đỏ phần còn lại của miền Nam”. Đây là một tổng quan cô đọng nhất, mà tôi từng được nghe.

 

Vào chiều 28-1-1973, đã diễn ra một buổi tiễn các sĩ quan được cử vào Sài Gòn, với tư cách là Đoàn đại biểu Quân sự của Việt Nam dân chủ cộng hòa tham gia vào thành phần của Ban liên lạc quân sự bốn bên. Vị trưởng đoàn hứa với Tướng Giáp là đoàn sẽ hết lòng thực hiện chức trách theo dõi để Hiệp định Paris được thi hành nghiêm chỉnh. Trong không khí trang nghiêm và cảm động ấy, hẳn không phải chỉ một mình tôi thấy e ngại trong lòng, không biết đến khi đoàn quay về Hà Nội, liệu có đầy đủ quân số (?), bởi vì luồng thác tin tức về những vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris đang dồn dập tuôn ra từ tổng hành dinh của Thiệu. Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn khỏe mạnh hồng hào, trái với một báo cáo của tình báo quân sự Mỹ phát đi từ Sài Gòn là ông bị trúng những mảnh bom từ một quả bom nổ chậm tại Hải Phòng khoảng một tháng trước đó...

 

Wilfred Burchett 

Ngọc Linh (Theo Quân đội nhân dân)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo