Thăm nhà Bá Kiến
Nằm cách thành phố Phủ Lý khoảng 35 km về phía Đông, làng Đại Hoàng (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên, nơi đây vẫn đang còn vẹn nguyên ngôi nhà của cụ Bá Bính được cố nhà văn Nam Cao dùng làm bối cảnh khắc họa lên nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm văn học kinh điển “Chí Phèo”.
Đây là ngôi nhà kiểu thôn quê Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20, xây trên một khu đất rộng chừng 900 m2. Nhà có mặt nhìn về hướng Đông Nam, kết cấu theo kiểu “lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp”, tức là ngoài hiên có hè rộng, có hàng cột vững chãi và mái hiên che mưa, chắn nắng.
Kiến trúc ngưỡng chồng của nhà Bá Kiến là ngưỡng cửa được chồng cao lên 1 m, khác hẳn với ngưỡng thấp, sát sàn. Trên mái nhà có tàu, có bảy, có then câu đan cài vững chãi vào nhau, lại được chồng chóp, nghĩa là chồng từ dưới xà thành lớp lớp lên tận mái nhà, một kiểu kiến trúc rất cầu kỳ, tinh xảo của những ngôi nhà đẳng cấp xưa.
Nhà có 3 gian với 4 hàng cột gồm 16 cây bằng lim. Chân cột được kê đá tảng, là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta. Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng và mưa được làm bằng gỗ. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng.
Khi xây dựng ngôi nhà, người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Gạch dùng xây tường và lát nền nhà thì được nung bằng rơm nên dù qua thời gian nhưng bức tường vẫn không hề bong tróc.
Trên nóc thượng ốc của ngôi nhà có khắc dòng chữ Nho, ghi lại thời gian xây nhà là năm 1910, đầu thế kỷ 20. Tính đến nay đã 104 năm, ngôi nhà cũng đã trải qua đến 7 đời chủ.
Theo bà Trần Thị Mai (SN 1962), người đã có 7 năm trông coi ngôi nhà cụ Bá Bính, thì gia đình bà vốn gần nhà cụ Bá, hồi còn nhỏ bà cùng đám trẻ trong làng thường hay qua nhà cụ Bá chơi nên thuộc làu những câu chuyện về nhà cụ Bá. “Trước đây ngôi nhà của cụ Bá hình chữ U, có ao cá sân vườn. Nhưng do chiến tranh cùng với sự bào mòn của thời gian, bão lũ đã làm ngôi nhà thay đổi khá nhiều và hiện chỉ còn ngôi nhà chính 3 gian là đúng theo hiện trạng ban đầu” – bà Mai nói.
Người dựng ngôi nhà này chính là cụ Cựu Hanh. Cụ Hanh là một lái buôn giàu có nổi tiếng khắp vùng nam đồng bằng Sông Hồng lúc bấy giờ. Cụ này đã thuê một tốp thợ mộc hơn 20 người ở phủ Lý Nhân (huyện Lý Nhân bây giờ) làm ròng rã gần 1 năm mới xong.
Sau này, khi cụ Cựu Hanh mất đi đã để lại ngôi nhà này cho người con trai là Trần Duy Xầm, tiếp đến cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là cụ Cựu Cát. Cụ Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó cụ Cựu Cát đã gán nợ ngôi nhà cho cụ Bá Bính.
Năm 2007, với mục đích lưu giữ ngôi nhà này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại để bảo tồn và phát triển tuyến du lịch đền Trần Thương - Nhà tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao – nhà Bá Kiến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ clip nghi hiện trường vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, hành động của nam ca sĩ gây tranh cãi
Chồng Thu Phương hé lộ việc vợ chồng Bích Tuyền chuẩn bị khởi kiện ngược Đàm Vĩnh Hưng
Thông tin bất ngờ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, thực hư chuyện hai bên lên kịch bản lấy bảo hiểm
Kể chuyện hoa Đà Lạt bằng thời trang
Thương hiệu ‘Lý Tử Thất’ được định giá khoảng 35 nghìn tỷ, hé lộ thu nhập gây 'sốc' mỗi tháng
Thanh Hằng lên tiếng về màn ‘rụng cánh’ gây bão MXH, CĐM phát hiện lời nói ‘bất nhất’ của nữ siêu mẫu