Thành cổ Luy Lâu - Xâm hại tới mức báo động
Là thành cổ có lịch sử 2.000 năm, Luy Lâu từng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Quá trình nghiên cứu khai quật Luy Lâu gắn liền với tên tuổi của GS Trần Quốc Vượng, TS Nishimura... với những phát hiện mang tính bước ngoặt cho khảo cổ Việt Nam. Song hiện nay, di tích cấp quốc gia Thành cổ Luy Lâu đang bị xâm hại tới mức báo động.
(Thethaovanhoa) - Trong diễn biến mới nhất, Sở VH, TT&DL Bắc Ninh vừa gửi công văn tới UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy hoạch tổng thể khu di tích để khẩn cấp “giải cứu” Thành cổ Luy Lâu.
“Bị xâm phạm nghiêm trọng!”
Công văn của Sở ngày 3/6/2013 cho biết: Ban Quản lý di tích Bắc Ninh vừa có báo cáo khảo sát thực địa khu di tích Thành cổ Luy Lâu. Qua khảo sát cho thấy, trong những năm qua, Thành cổ Luy Lâu đã bị xâm phạm nghiêm trọng khu vực bảo vệ, với diện tích 26.185m2.
Theo phân tích của nhóm khảo sát thì một số thửa đất trong khu vực thành cổ đã được UBND xã Thanh Khương giao ổn định cho các hộ canh tác (diện tích khoảng 40.000m2). Ngoài ra, địa phương đã đặt mộ an táng, xây cất khoảng hơn 100 mộ trong khu vực nội tự thành cổ.
“Nhìn chung, các di tích trong thành bị xuống cấp, nhiều đoạn tường thành bị vùi lấp và hư hại do quá trình cư trú, canh tác, sản xuất của nhân dân địa phương”- Ban Quản lý di tích Bắc Ninh đánh giá.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) - đơn vị trực tiếp quản lý di sản - cho hay: “Hiện tại vẫn có thể tạm gọi Luy Lâu là cổ thành. Nhưng công chúng và các cấp quản lý cứ “ơ hờ” với di sản như thế này, chẳng mấy chốc cổ thành sẽ mai một, hóa phế thành”.
Ông Nam cho hay: Hiện trạng trên bề mặt Thành cổ Luy Lâu chỉ có công trình đền thờ Sĩ Nhiếp. Còn lại, tất cả được phủ lên đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm.
Theo lý giải của chính quyền địa phương, việc cho dân làm nông nghiệp, trồng cây lâu năm sẽ phần nào chống xói mòn thành lũy, cũng là để tạo sinh kế cho người dân góp phần chống hiện tượng xâm lấn (?!).
“Nếu không cho trồng trọt trên di sản, người dân sẽ làm nhà dựng xưởng ngay trong lòng thành cổ. Điều này còn nguy hại gấp nhiều lần”- Ông Nguyễn Nho Thuận, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành trao đổi.
Di sản khảo cổ “đắp chiếu”
Về Luy Lâu, hỏi ngôi cổ thành, từ cán bộ địa phương tới ông thủ từ và những người dân trong thành, ai cũng nhắc tới những câu chuyện về “ông khảo cổ người Nhật” (TS Nishimura, người vừa mất do tai nạn giao thông trên đường 5) cũng như GS Trần Quốc Vượng.
Tại đây, GS Trần Quốc Vượng, TS Nishimura và nhiều nhà khảo cổ đã thực hiện nhiều cuộc khai quật thành công đem lại nhiều bước tiến lớn cho khảo cổ Việt.
Là người địa phương, từng dẫn đường cho TS Nishimura, ông Nguyễn Nho Thuận kể: “Hồi đó, Nishimura mới chỉ là nghiên cứu sinh theo đoàn khảo cổ đến khai quật. Bằng sự tận tụy, miệt mài, Nishimura đã tìm được mảnh khuôn đúc trống đồng. Sau phát hiện này, chính quyền địa phương cũng có cái nhìn trân trọng hơn với di sản Thành cổ Luy Lâu. Bởi sau đó, người ta ví Thuận Thành là “xứ sở nấu vàng và đúc đồng” thời xưa.
Đứng ở nơi trước đây là miệng hố thám sát tìm được mảnh khuôn đúc trống đồng, ông Thuận ngậm ngùi: “Tiếc là sau đó, cũng có một vài đoàn khảo cổ tới làm việc, nhưng cũng không có điều kiện làm đồng bộ cả khu vực. Cho tới lúc này, các hố thám sát từng phát hiện bao hiện vật giá trị đều phải phủ bạt, lấp đất lên và dần đi vào quên lãng”.
Ông Nho Thuận, Phó Phòng VH-TT huyện Thuận Thành giới thiệu hố thám sát trước đây,
nơi TS Nishimura tìm ra mảnh khuôn đúc trống đồng
Phải di dời 2/3 làng Lũng Khê?
Khi được hỏi về phương án quy hoạch, bảo tồn khu di tích, ông Chủ tịch UBND xã Thanh Khương lắc đầu thở than: Trước xã là tâm của “kinh đô Phật giáo” Luy Lâu nên đụng đâu cũng có di sản. Tự hào thì tự hào thật nhưng nếu chúng tôi cứ làm đúng nguyên tắc thì dân rất khổ.
Cụ thể, xã rộng 100ha mà có tới 9 chùa, 3 đền, 5 đình, 2 nghè, 1 thành. Trong đó đa phần là những di tích với bề dày văn hóa. Đặc biệt, có hai di sản lớn như chùa Dâu, Thành cổ Luy Lâu nức tiếng cả nước.
Theo ông Nam, hiện xã đã cố giữ và bảo vệ quỹ đất cho một phần di tích Thành cổ Luy Lâu cùng một đoạn lũy thành đã xác định được. “Còn lại, tới nay, thành cổ rộng tới đâu cũng chỉ là theo giả thuyết của các nhà khảo cổ. Nếu tính diện tích Thành cổ Luy Lâu theo đúng như giả thuyết của GS Trần Quốc Vượng, thì sẽ soán hết 2/3 làng Lũng Khê. Nên muốn bảo vệ di sản theo chiều hướng đó, có lẽ phải di dời 2/3 số hộ dân trong làng này” (?!)- ông Nguyễn Nam nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc dân canh tác bên trong cổ thành, ngôi chợ mọc lên ngay trên lối vào di tích với ngợp ngụa rác thải rất mất mĩ quan. Khi đem vấn đề này hỏi nhà chức trách, ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành nói: “Chợ đã có từ lâu, rất khó giải tỏa. Hơn thế, chúng tôi không thể “đóng khung” di tích mà bỏ mặc người dân”.
Ông Bắc nói tiếp: “Trước đó, lăng Kinh Dương Vương, ngay cạnh Thành cổ Luy Lâu, vừa được đầu tư 500 tỷ đồng để bảo tồn tôn tạo. Nếu muốn giữ gìn và phát huy di sản Thành cổ Luy Lâu, tôi nghĩ cũng cần một khoản tiền nhiều tỷ như vậy, chứ không thể nói suông được”.
Phạm Mỹ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo