Thay đổi tư duy cổ phần hóa
Đó là ý kiến của TS. Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước tại Hội thảo Quốc tế về Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam, do Văn Phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm nay 15/2, tại Hà Nội.
Đảm bảo lộ trình đa dạng hóa sở hữu
Đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB và các chuyên gia, đã có những ý kiến trao đổi nêu lên những vấn đề liên quan đến việc quá trình cổ phần hóa bị chậm lại thời gian qua.
Theo Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn, việc đổi mới DNNN phải có lộ trình, định hướng cải cách DNNN với những mục tiêu cụ thể, đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu, tuy nhiên, cũng cần nhìn vào thực tế, việc đa dạng hóa sở hữu đang gặp không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung đang gặp khó khăn, người ta không thể “ào ào” mua cổ phần như một vài năm trước đây.
TS. Phạm Viết Muôn dẫn chứng trong lĩnh vực sản xuất điện, có công ty thủy điện làm ăn rất có hiệu quả, sản xuất chỉ tốn 0,56 m3 nước cho 1 kWh điện trong khi mức trung bình 1,7-1,8 m3 , định bán 10% cổ phần, giá bán không cao, nhưng số lượng mua chưa được 1%. Tương tự với không ít công ty làm ăn tương đối hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất khí, thép, ngân hàng…việc bán cổ phần cũng không dễ dàng.
Thực tế, Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc tạo thị trường cạnh tranh, dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), thị trường viễn thông của Việt Nam rất mở, tạo "sân chơi" bình đẳng cho cả các DN tư nhân và nước ngoài vào khai thác…các DNNN trong lĩnh vực này hoàn toàn không có sự hỗ trợ, kể cả về giá, thậm chí các doanh nghiệp ra đời sau sau lại được chủ động hơn về giá cước, nhưng các DNNN vẫn đảm bảo tăng trưởng, hơn nữa vẫn đảm bảo nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, phục vụ công ích, vùng sâu vùng xa.
Tăng cường quản trị doanh nghiệp hiệu quả
Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn nhấn mạnh, phải thay đổi tư duy trong việc cổ phần hóa không chỉ là vấn đề huy động vốn mà quan trọng hơn là phải đổi mới tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp, để có những doanh nghiệp mạnh, cạnh tranh hiệu quả. Việc minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp cần phải được chú trọng, đặc biệt là tài chính.
Chính phủ đã nhận thức rõ và đang quyết liệt thực hiện việc minh bạch, tách rõ vấn đề kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính sách, xã hội, công ích. Cụ thể, trong thời gian qua, việc này đã được giao cho các cơ quan chức năng thực hiện, cần phải có được các chỉ tiêu, tiêu chuẩn phấn đấu rõ ràng.
Dẫn chứng về triển khai đổi mới doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, với sự hỗ trợ của WB, IFC, Việt Nam đang thí điểm tái cấu trúc một số đơn vị trong đó có Tập đoàn Sông Đà theo hướng tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả rồi mới tiến hành cổ phần hóa, hình thành tập đoàn kinh tế đa sở hữu.
Thực tế, nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP trước đây, tạo ra cú hích với tiến trình cổ phần hóa, đặc biệt là các Thông tư hướng dẫn bắt đầu có hiệu lực. Đây là những đúc kết những kinh nghiệm sau hơn 20 năm đổi mới và tiếp tục hoàn thiện qua thực tiễn.
Việt Nam đặc biệt chú trọng cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản giám sát cơ chế tài chính và sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản theo hướng đầy đủ các chỉ tiêu cụ thể nhằm tăng cường khả năng cảnh báo sớm rủi ro, đảm bảo lành mạnh tài chính doanh nghiệp.
Theo chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo