'Sức khỏe' của các ngành công nghiệp ra sao giữa đại dịch Covid-19?
7 ca nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận đã khỏi bệnh / Hơn 45 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ ứng phó Covid-19
Lần đầu tiên, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3/2020. Dữ liệu này báo hiệu mức giảm mạnh của "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất, thậm chí còn mạnh hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 4/2012.
Các con số suy giảm chưa từng có
Mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm về mức đáy mới. IHS Markit cho rằng đại dịch Covid-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, với tổng số đơn đặt hàng mới giảm dần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Mới đây, báo cáo tình hình sản xuất quý I/2020, Bộ Công Thương cho biết sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6,5 năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Phân tích cụ thể từng ngành công nghiệp trọng điểm, Bộ Công Thương cho biết ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tính tăng 4,9%, tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 2,4 điểm phần trăm; ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 9% (cùng kỳ tăng 11,1%). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh (trên 30%). Lĩnh vực kinh doanh rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng chịu tác động rất lớn do ngành du lịch và kinh doanh của các nhà hàng giảm mạnh về doanh thu (nhiều nhà hàng giảm 50 - 60% doanh thu so với bình thường).
Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 8,3%). Ngành dệt chỉ tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 11,1%). Ngành may chịu tác động khá lớn khi 3 tháng giảm 3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,7%. Đến nay, khi Trung Quốc đã bước qua đỉnh dịch, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, do đó việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam đã đi vào ổn định.Tuy nhiên, từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm dẫn đến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại các thị trường xuất khẩu sút giảm.
Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5% (cùng kỳ năm trước tăng 17,9%). Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 3 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ. Mặc dù việc nhập khẩu nguyên phụ liệu đã khả quan hơn nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường bộ mất nhiều thời gian thông quan hơn so với thông thường do các cửa khẩu vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch.Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, song đối với việc phân công sản xuất theo chuỗi toàn cầu hiện nay và tính chất đặc thù của sản xuất điện tử, việc tìm nguồn cung dự phòng này không dễ và chi phí cũng tăng cao, đồng thời không ổn định về số lượng và chất lượng.
Tương tự ngành dệt may, da – giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh do nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Với ngành thép, dịch Covid-19 khiến xu hướng giá thép trên thị trường thế giới và Trung Quốc giảm sâu, trong khi giá một số nguyên liệu sản xuất thép lại có xu hướng tăng... Các yếu tố này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất cũng như hoạt động tiêu thụ hàng hóa.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit đánh giá, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3, với mức giảm tồi tệ nhất của các điều kiện kinh doanh kể từ khi sảo sát bắt đầu khoảng hơn 9 năm trước.
Mong chính sách hỗ trợ sớm thực thi
Theo thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngay trong tháng 4 sẽ có trên 30% lao động của ngành thực sự thiếu việc làm. Tháng 5, 6 tới, việc cam kết nhận hàng, tổ chức sản xuất của các khách hàng đều chưa rõ ràng nên có thể số người lao động sẽ gặp khó khăn trong tháng 5 sẽ là trên 50%.
Trước tình thế cấp bách trên, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa vào thực thi. Vừa qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh như dừng đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí và cho vay để trả lương tối thiểu cho người lao động bị nghỉ việc. Đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động như ngành dệt may thì đây là gói hỗ trợ hết sức cấp bách, cần thiết và rất quan trọng vì đây là lúc doanh nghiệp không có nguồn tiền về để thanh toán các khoản chi ở trong nước. Tuy nhiên, thực tế thì nếu chưa có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đến cơ sở, việc tiếp tục thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí vẫn diễn ra ở các địa phương.
"Các vấn đề về lao động và tiền lương đang rất nóng từng tuần, từng ngày đối với các doanh nghiệp dệt may, vì vậy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được nhanh chóng đưa vào thực hiện để gỡ khó cho doanh nghiệp", ông Trường nói.
Bên cạnh các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tổng giám đốc Vinatexcũng đề xuất, trong điều kiện xuất khẩu khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp trong cộng đồng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để cùng sử dụng sản phẩm của nhau.
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tính đến phương án thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6,5 năm qua (Ảnh minh họa: Internet)