2022 - Năm buồn của thị trường tiền điện tử với hàng loạt cú sụp đổ lớn
Thấy gì từ sự sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu trong quý IV/2022? / Giá nông sản ngày 30/12/2022: Cà phê tiếp tục giảm, tiêu tăng mạnh
Khi năm 2021 sắp kết thúc, nhiều nhà đầu tư tiền điện tử tràn đầy sự lạc quan. Xét cho cùng, đó là một năm nổi bật khi token không thể thay thế (NFT) đã trở thành xu hướng phổ biến, giá Bitcoin hay ether luôn là chủ đề được mọi người quan tâm.
Thế nhưng đến cuối năm, mọi chuyện đã thay đổi khi những gì công chúng nhắc tới là sự sụp đổ của sàn tiền điện tử FTX và việc nhà sáng lập FTX là Sam Bankman-Fried đối mặt với án tù do cáo buộc lừa đảo. Trong khi đó, một bộ phận nhà đầu tư lo ngại về việc liệu họ có thể lấy lại số tiền đã đầu tư hay không sau hàng loạt vụ sụp đổtài sản kỹ thuật sốlớn.
Thị trường tiền điện tử năm 2022 đã trải qua nhiều biến động lớn (Ảnh: Crypto Protocol).
Theo Bloomberg, một số sự kiện nổi bật của thị trường tiền điện tử bao gồm: Giá của Bitcoin - token lớn nhất tính theo giá trị thị trường, đã giảm hơn 60%, dẫn đến sự sụt giảm của tài sản kỹ thuật số và khiến tổng giá trị thị trường mất khoảng 2.000 tỷ USD so với mức cao đạt được vào tháng 11/2021. Cùng với đó, việc Bankman-Fried từ chỗ là tỷ phú tiền số được ca ngợi trở thành "tội đồ" bị buộc nhiều tội, bao gồm cả gian lận. Ngoài ra, giá NFT cũng đã hạ nhiệt đáng kể.
"Mùa đông tiền điện tử" là thuật ngữ chỉ giai đoạn ảm đạm của thị trường khi giá các đồng coin liên tục giảm và khó phục hồi trong thời gian dài. Sự sụp đổ của TerraUSD (stablecoin thuật toán phi tập trung của blockchain Terra) đã tạo ra hiệu ứng domino khiến nhiều đơn vị khác sụp đổ theo như Three Arrows Capital, Voyager Digital, Celsius Network, FTX, BlockFi.
Hàng loạt sự sụp đổ
Hệ sinh thái Terra vận hành hai token chính: đồng coin luna và terraUSD (UST). Từ ngày 9/5, UST (token dùng thuật toán thay vì tài sản đảm bảo để điều chỉnh nguồn cung và neo giữ 1-1 với đồng USD) và luna gần như mất toàn bộ giá trị. Chỉ một tháng sau khi đạt đến giá trị kỷ lục là 119 USD, đến ngày 16/5, giá đồng luna rơi về gần mốc 0 USD còn UST rơi về mốc 0,2 USD. Điều này đã làm rung chuyển thị trường, tạo tiền đề cho nhiều vụ sụp đổ trong những tuần và tháng sau đó.
Nhiều công ty đã đầu tư vào terra hoặc công ty mẹ Terraform Labs, bằng cách nắm giữ token luna hoặc UST, bao gồm Hashed, Jump and Pantera, các đơn vị đầu tư của Coinbase, Binance và Galaxy Digital.
Trong đó, Galaxy Digital là một trong những công ty mất mát lớn nhất sau sự sụp đổ của Terra. Công ty của tỷ phú Michael Novogratz đã báo cáo khoản lỗ hàng quý lên tới 555 triệu USD vào tháng 8 vừa qua. Đến cuối năm, Galaxy Digital lại chịu thêm một cú sốc nữa khi chịu lỗ 77 triệu USD vì đầu tư vào FTX.
Còn sàn tiền số Binance đã đầu tư 3 triệu USD vào terra năm 2018 và từng có thời điểm giá trị các token họ nắm giữ tăng lên tới 1,6 tỷ USD. Điều đó cho thấy khi luna sụp đổ, Binance cũng phải chịu khoản lỗ nặng nề.
Một "vận đen" khác trong năm nay của Binance là vào tháng 3, hacker đã đánh cắp số tiền điện tử trị giá hơn 600 triệu USD từ một sổ cái kỹ thuật số được sử dụng bởi người chơi trò chơi trực tuyến Axie Infinity. Trước đó, Binance đã đầu tư vào Sky Mavis - công ty tạo ra trò chơi này.
Ngày 13/7, công ty cho vay tiền điện tử Celsius Network nộp đơn xin phá sản tại New York. Động thái trên diễn ra chỉ một tháng sau khi họ ngừng cho phép khách hàng rút và chuyển tiền.
Celsius Network nộp đơn xin phá sản ngày 13/7 (Ảnh: Reuters).
Trong số các chủ nợ của Celsius có Alameda Research của FTX, với yêu cầu bồi thường khoảng 13 triệu USD. Chủ nợ lớn nhất được biết đến của Celsius với yêu cầu bồi thường 81 triệu USD là công ty ít tên tuổi Pharos Fund.
Trong khi đó, công ty cho vay tiền điện tử Hodlnaut đã thông báo tạm dừng tính năng rút, đổi và nạp tiền đồng thời rút đơn xin cấp phép tại Singapore vào tháng 8 với lý do thua lỗ liên quan đến Terra. Một hồ sơ tiết lộ rằng con số này là gần 190 triệu USD. Công ty sau đó đã phải sa thải tới 80% nhân viên do gặp khó khăn.
Ngày 17/11, công ty môi giới lâu đời và nổi tiếng nhất thị trường tiền điện tử Genesis thông báo sẽ tạm ngừng các hoạt động cho vay và rút tiền sau khi đối diện hàng loạt yêu cầu rút tiền bất thường.
Ngày 29/11, công ty cho vay tiền điện tử BlockFi đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 Luật phá sản của Mỹ sau khi FTX tuyên bố phá sản, nhằm mục đích tổ chức lại công ty thay vì bán tài sản.
Tâm điểm FTX và Binance
Đầu tháng 11, Binance tiết lộ kế hoạch bán 529 triệu USD token FTT của FTX. Động thái này khiến giá trị của FTT giảm xuống và người dùng ồ ạt rút tiền khỏi FTX. Phía Binance đã tham gia nhiều cuộc đàm phán để "giải cứu" khi FTX gặp khó khăn nhưng cuối cùng hai bên không đạt được thỏa thuận.
Ngày 11/11, FTX đệ đơn xin phá sản, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty là Bankman-Fried tuyên bố từ chức. Theo một tài liệu của tòa án, FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất số tiền khoảng 3,1 tỷ USD, trong đó, số nợ của 10 chủ nợ lớn nhất là 1,45 tỷ USD.
Và chỉ một tháng sau, nhà sáng lập và cựu CEO FTX - Sam Bankman-Fried đã bị bắt ở Bahamas với cáo buộc gian lận và có thể đối mặt với mức án tù lên tới 115 năm. Sự phá sản của FTX đã giáng đòn mạnh lên một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực tài chính, bao gồm những ông lớn như SoftBank, Sequoia Capital và Temasek.
Tuần trước, công tố viên Mỹ cho biết Caroline Ellison - cựu CEO Alameda Research và Gary Wang - cựu giám đốc công nghệ của FTX đã thừa nhận vai trò trong vụ sập sàn FTX. Việc hai nhân vật này nhận tội đã khiến Bankman-Fried gặp bất lợi sau khi bị dẫn độ về Mỹ để điều tra.
Cựu CEO FTX - Sam Bankman-Fried (Ảnh: The Verge).
Mới đây nhất, Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch, cũng trải qua một số sóng gió. Theo dữ liệu của nền tảng phân tích dữ liệu trên blockchain Nansen vào sáng 13/12, khoảng 1,9 tỷ USD đã bị rút khỏi Binance trong 24 giờ. Binance hứng chịu làn sóng rút tiền trên trong bối cảnh có báo cáo nói rằng thông tin tài sản dự trữ của Binance có phần mờ ám.
Không lâu sau, các nhà phân tích chỉ ra tình hình tài chính và cách hoạt động của công ty này có phần mờ ám. Theo Reuters, Binance đã xử lý các giao dịch trị giá hơn 22.000 tỷ USD trong năm nay nhưng không hề công khai.
Ngoài ra, điều khiến không ít người lo ngại về tính minh bạch của công ty này là họ từ chối cho biết trụ sở ở đâu, không tiết lộ thông tin tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và dự trữ tiền mặt. Công ty cũng phát hành token nhưng không đề cập đến vai trò của chúng trong bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, trên thực tế, Binance không có nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính vì không phải công ty đại chúng.
Tạm kết
Sự thất bại của nhiều công ty trong năm nay đã đánh dấu một năm đáng buồn của lĩnh vực tiền điện tử. Theo Bloomberg, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ (không ít người đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời vì đầu tư vào tiền điện tử) đã bị bỏ mặc trong khi họ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn cả do biến động thị trường, các vụ hack hay gian lận.
Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu có cách nào để hàn gắn lại thị trường tiền điện tử bị phá vỡ trong năm 2022 không và mong muốn nhiều quy định sẽ được đưa ra trong tương lai để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam