Thị trường

An Giang: Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém năng suất

Trồng cam sành xen quýt đường, trồng khoai môn, sản xuất đa canh kết hợp… là những mô hình nông nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân Bình Thành (Thoại Sơn).

Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình trồng cây cảnh trên “cánh đồng bỏ hoang” / Hà tĩnh: Làm giàu từ nghề nhân giống hoa lan

Đất lúa kém hiệu quả “nở hoa” nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Là xã nông nghiệp, Bình Thành có diện tích đất nông nghiệp 2.647,61ha, trong đó diện tích trồng lúa là 2.590,15ha, còn lại là hoa màu và cây ăn trái. Xác định sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm, địa phương luôn đẩy mạnh việc sản xuất nông nghiệp áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, góp phần thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người tăng.

Để đạt được kết quả trên là nhờ địa phương thực hiện chủ trương “Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo định hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, nông thôn”. Với chủ trương trên, địa phương đã mạnh dạn vận động, khuyến khích người nông dân tìm kiếm những mô hình sản xuất phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái để tăng thu nhập như: trồng cam, quýt đường, dưa lưới, khoai môn, dưa leo… Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 70ha, đẩy mạnh ứng dụng quy trình công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể kể đến hiệu quả bước đầu là mô hình trồng cam sành xen cây quýt đường của nông dân Lê Phước An (ấp Nam Huề). Với diện tích đất khoảng 4,6ha, hàng năm ông An canh tác lúa 3 vụ, giá lúa lại bấp bênh. Sau khi được các ban, ngành, đoàn thể xã vận động, tuyên truyền, ông An là người đầu tiên trong xã chuyển đổi sang trồng cây có múi. Sau 24 tháng, vườn cam của ông đã thu hoạch 3 đợt trái, năng suất bình quân mỗi vụ là 4 tấn/1.000m2, với giá bán khoảng 15.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 25-30 triệu đồng/1.000m2.

Ngoài ra, ở xã Bình Thành còn có mô hình trồng khoai môn của ông Cao Ngọc Hiếu (ấp Kiên Hảo). Với diện tích 5ha đất trồng lúa hàng năm nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi tìm hiểu thông tin, ông Hiếu đã chuyển đổi cây trồng phù hợp. Chi phí đầu tư 12 triệu đồng/1.000m2 từ khâu làm đất đến cây giống, sau 5-6 tháng chăm sóc, khoai môn bắt đầu cho thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ lợi nhuận thu được 12-13 triệu đồng/1.000m2.

“Làm giàu từ mô hình đa canh” là mô hình của nông dân Nguyễn Văn Thật (sinh năm 1972, ngụ ấp Bình Thành). Với 2,8ha đất trồng lúa kém hiệu quả, anh Thật đã chuyển đổi sang trồng bưởi, quýt đường, đu đủ và rau màu các loại, đồng thời kết hợp nuôi cá lóc, cá trê, cá rô… Hiện nay, người nông dân ấy trồng 900 gốc cây có múi, 500 gốc đu đủ lùn, 20.000 con cá lóc. Tận dụng “lấy ngắn nuôi dài” trồng xen rau cải các loại, mỗi ngày anh Thật thu được từ 500.000-700.000 đồng.

 

Theo anh Thật, với cây đu đủ, sau khi trồng từ 7-8 tháng thì bắt đầu cho trái. Đợt đầu tiên thu hoạch, tôi bán được 500-700kg đu đủ. Giá thương lái mua 10.000-12.000 đồng/kg; đu đủ đẹt để làm mắm có giá khoảng 5.000 đồng/kg. Cây đu đủ rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Chỉ mới vụ đầu mà nguồn thu từ trái đu đủ… “không tệ”! Anh Thật đang chuẩn bị đất để trồng thêm măng tây và khóm. Còn các cây dài ngày như: bưởi, cam, quýt… hiện đang phát triển tốt. Trong tương lai gần, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình người nông dân ấy.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải đánh giá: “Mô hình đa canh của nông dân Nguyễn Văn Thật cho thấy đây là hướng đi đúng đắn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hội Nông dân xã luôn quan tâm, hỗ trợ nông dân kịp thời vốn vay để phát triển sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao”.

Theo Hội Nông dân xã Bình Thành, từ những mô hình nông nghiệp hiệu quả cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang đi đúng hướng và thật sự cần thiết cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Để góp phần đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn xã cũng như hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, mỗi xã 1 sản phẩm đặc trưng theo hướng VietGAP và 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp Hội Nông dân hỗ trợ nông dân duy trì các mô hình có hiệu quả, đẩy mạnh vận động người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ diện tích đất lúa kém hiệu quả.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm