Cần có đầu mối tạo cạnh tranh trong khai thác cảng biển
Tập đoàn F&B Holdings (Hàn Quốc) tìm cơ hội đầu tư cảng biển du lịch cỡ lớn tại Đà Nẵng / Hàng nội địa qua cảng biển Đà Nẵng giảm hơn 20% trong 3 tháng gần đây
Ông Hồ Kim Lân - Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, Việt Nam đang quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những ưu tiên của quy hoạch là tạo điều kiện cho những nhà đầu tư quốc tế hiện có dự án cảng biển tại Việt Nam được hoạt động khai thác thuận lợi hơn, bao gồm các kết nối nội địa và các đặc quyền khác để khai thác, phát triển thành công hơn trong một môi trường minh bạch, cạnh tranh công bằng hơn.
Điều kiện cần có để thu hút được những nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực cảng biển và thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển là chính sách và vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển kinh tế biển cạnh tranh quốc tế.
Đây là điều mà thị trường cạnh tranh tự phát theo cơ chế xin - cho không thể thực hiện được.
Trong giai đoạn dịch bệnh và khi kinh tế toàn cầu đang có những khó khăn chưa có tiền lệ hiện nay, thị trường thương mại hàng hải còn có nhiều bất định, rủi ro.
Những yếu tố liên quan đến cơ hội và rủi ro trong đầu tư, khai thác cảng biển tại từng khu vực thị trường và trong từng giai đoạn đang được chủ đầu tư và những định chế tài chính cho vay dự án thận trọng nghiên cứu, đánh giá.
Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam nhấn mạnh, có nhiều giải pháp để tăng dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cảng biển trong những năm tới nhưng chủ yếu vẫn là cơ chế, chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cảng biển nói riêng.
Nguyên tắc là làm sao bảo đảm lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư theo cơ chế hợp tác công - tư (PPP), trong điều kiện khá cá biệt hiện nay của Việt Nam.
“Khó khăn chính hiện nay là Việt Nam chưa có đầu mối có trách nhiệm (như chính quyền cảng biển của các nước) để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khai thác phát triển cảng cho từng khu vực thị trường. Qua đó, bảo vệ lợi ích và giải trình dài hạn với nhà đầu tư theo cơ chế PPP về những điều kiện đồng bộ nói trên”, ông Lân nói.
Hiện nay, thị trường dịch vụ hàng hải, cảng biển của Việt Nam đang chịu sự chi phối của các hãng tàu biển container nước ngoài, kể cả hãng tàu tham gia các liên doanh khai thác cảng biển.
Giá dịch vụ khai thác container tại cảng biển đang ở mức quá thấp trong điều kiện cơ chế điều tiết tập trung không phát huy được tác dụng mong muốn.
Một điểm cần được xem xét nữa là cảng biển dù cung ứng dịch vụ hạ tầng mang tính công ích nhưng không theo cơ chế riêng của chính quyền cảng biển của các nước.
Cảng biển Việt Nam được đồng hóa với doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ đơn thuần, được phép mở rộng dịch vụ sang những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác mà luật pháp không cấm.
Vì thế, nhiều cảng biển mở rộng dịch vụ khai thác cảng bao trùm nhiều dịch vụ khác ngoài khai thác cảng, như vận tải sông biển, dịch vụ logistics... cạnh tranh với chính khách hàng của mình.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cảng biển thường tập trung hoạt động theo chuyên ngành khai thác cảng đơn thuần trong khuôn khổ của giấy phép đầu tư và phương án kinh doanh được ngân hàng xét duyệt cho vay vốn, nên khó có thể cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, khó vay vốn ngân hàng quốc tế.
Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam khuyến nghị, để tạo đòn bẩy cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cảng biển, cần có chính sách phù hợp để tạo điều kiện ổn định phát triển dài hạn của thị trường.
Cụ thể là những quy định về tỷ lệ vốn tham gia liên doanh, danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy hoạch với khả năng tiếp cận đất đai, tài chính, bảo hiểm, nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình, thủ tục thuận tiện được số hóa; quản lý Nhà nước và quản lý chuyên ngành về cảng biển theo chuẩn quốc tế; tạo thị trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh.
Cần có trách nhiệm giải trình của Nhà nước trong thu hút và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp vào hạ tầng cảng biển theo cơ chế hợp tác công - tư thuế giá phí hợp lý và tiên đoán được các ưu đãi khác…
“Ngoài năng lực quản trị phát triển và nguồn lực lớn nhằm huy động theo mục tiêu chiến lược, năng lực cảng biến phải đủ mức dư thừa an toàn cho kế hoạch kinh doanh dài hạn của hãng tàu thì mới có thể thu hút được đầu tư”, ông Lân khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 18/1/2025: USD đảo chiều tăng giá
Dự thảo chính sách thử nghiệm fintech: Nguy cơ gây khó trong quản lý tài sản mã hóa
Giá vàng ngày 18/1/2025: Vượt mốc 87 triệu đồng/lượng
Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Ba Lan lên 5 tỷ USD vào 2030
Giá heo hơi ngày 18/1/2025: Dưới mốc 70.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 18/1/2025: Cà phê tăng đáng kể, hồ tiêu duy trì ổn định