Chứng khoán sau nghỉ lễ tăng hay giảm?
Đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón điều tiết nguồn cung trong nước / Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tuần giao dịch (từ 25 - 29/4) đầy biến động khi VN-Index trong phiên đầu tuần (25/4) có lúc đã giảm hơn 80 điểm, mức giảm nhiều nhất trong lịch sử. VN-Index chốt phiên đầu tuần với mức giảm gần 70 điểm và nỗ lực hồi phục trong 4 phiên cuối tuần cũng chỉ số chỉ số này hồi phục hơn 56 điểm. Giới phân tích từ các công ty chứng khoán nghiêng về nhận định, có thể rủi ro giảm điểm vẫn còn nguyên trong ngắn hạn do tâm lý bi quan của giới đầu tư.
Nghiêng về khả năng thị trường điều chỉnh
Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, có thể rủi ro giảm điểm vẫn còn nguyên trong ngắn hạn do tâm lý bi quan của giới đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các tín hiệu tiếp theo và đứng bên ngoài quan sát.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, VN-Index đã mở rộng đà hồi phục trong ngày cuối tần (29/4) và chinh phục kháng cự gần 1.365 điểm. Trong trường hợp tích cực, VN Index có thể tiếp đà hồi phục lên vùng 1.377 - 1.380 điểm.
Tuy nhiên, với xu hướng giảm trung hạn đang được duy trì, kết hợp với câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ngay tuần đầu tiên của tháng 5, VN-Index có thể đối mặt với rủi ro điều chỉnh.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), sau chuỗi giảm mạnh 8 phiên liên tiếp, VN-Index đã có nhịp hồi phục liên tiếp 4 phiên sau đó, giúp xu hướng ngắn hạn giảm bớt tiêu cực.
Tuy nhiên, đợt hồi phục hiện tại đang thiếu sự ủng hộ của thanh khoản, thể hiện ở khối lượng khớp lệnh bình quân trong 4 phiên hồi phục dưới 15.000 tỷ đồng/phiên.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 1-13 điểm cho thấy, các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể điều chỉnh trong thời gian tới.
Chứng khoán Mirae Asset cho biết, kháng cự ngắn hạn của VN-Index là vùng 1.390 - 1.400 điểm trong khi hỗ trợ ngắn hạn là vùng 1.260 - 1.280 điểm. VN-Index đang có mức P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) là 15,2 lần, gần với mức trung bình 10 năm là 15,03 lần. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức trung tính.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, thị trường giảm tuần thứ 4 liên tiếp với mức giảm nhẹ 0,9%, lực cầu gia tăng sau phiên giảm mạnh hôm thứ 2 (25/4) đã giúp chỉ số VN-Index hồi phục trong 3/4 phiên còn lại để kết tuần với mức giảm nhẹ. Tuy nhiên, thanh khoản lại có sự suy giảm nhưng trong bối cảnh trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày thì điều này là khá bình thường và đã xảy ra trước đó.
SHS có góc nhìn khá tích cực với các công ty chứng khoán khác khi cho rằng, phân tích kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho việc thị trường hồi phục với việc VN-Index vẫn kết tuần được trên ngưỡng 1.350 điểm, nên vẫn có khả năng chỉ số có thể tăng để hướng đến mục tiêu trong khoảng 1.530-1.550 điểm.
Rủi ro hiện tại có lẽ chỉ đến từ tâm lý nhà đầu tư với câu nói nổi tiếng được truyền tai trên thị trường "sell in may and go away" - hãy bán cổ phiếu trong tháng 5 rồi đi chơi. Tuy nhiên, với việc trong tháng 4, VN-Index đã giảm 8,4% thì khả năng giảm tiếp trong tháng 5 là khó có thể xảy ra.
Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 4/5-6/5, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với mục tiêu tiếp theo của chỉ số là ngưỡng tâm lý 1.400 điểm, SHS nêu quan điểm.
Về diễn biến thị trường tuần qua (từ 25 - 29/4), VN-Index tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và đã là tuần thứ 7 liên tiếp thấp hơn mức trung bình 20 tuần.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 12,43 điểm xuống 1.366,8 điểm, HNX-Index tăng 6,71 điểm lên 365,83 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 23,9% so với tuần trước đó, với 89.612 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giảm 19,9% xuống 3.094 triệu cổ phiếu.
Giá trị giao dịch trên HNX giảm 19,1% so với tuần trước đó với 10.312 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 14,6% xuống 454 triệu cổ phiếu.
Thực tế tính chung cả tháng 4, VN-Index đã giảm 125,35 điểm so với cuối tháng 3, HNX-Index cũng giảm 83,79 điểm, UPCOM-Index giảm 12,73 điểm.
Thị trường giảm rất mạnh trong tháng 4, trong bối cảnh khối nội giao dịch thận trọng và khối ngoại trở thành điểm sáng. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng gần 4.200 tỷ đồng trong tháng 4. Trước đó, khối ngoại bán ròng 8 tháng liên tiếp, với tổng giá trị 43.529 tỷ đồng. Tính riêng tuần qua, khối ngoại mua ròng hơn 813 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua với 4,4% giá trị vốn hóa khi các nhà đầu tư chốt lời mạnh mẽ, các mã tiêu biểu như FPT giảm 4,9%, CMG giảm 6,3%...
Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng với mức giảm 3,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như: GAS giảm 6,1%, POW giảm 1,1%...
Nhóm dịch vụ tiêu dùng giảm 3,2% giá trị vốn hóa do sự sụt giảm của các cổ phiếu hàng không như VJC giảm 5,4%, HVN giảm 0,9%... và các cổ phiếu bán lẻ như MWG giảm 5%, DGW giảm 1,7%...
Cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng có mức sụt giảm 2,2% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu đến từ các mã trụ cột gồm: VNM giảm 1,7%, SAB giảm 5,5%...
Ngành ngân hàng giảm 1,7% giá trị vốn hóa, tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường chung. Có thể kể đến CTG giảm 4,8%, BID giảm 2,9%, TCB giảm 2,2%, VCB giảm 1,9%, MBB giảm 1%... Ngành dầu khí giảm 1,9% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế giảm 1,1%, nguyên vật liệu giảm 0,6%.
Ở chiều ngược lại, ngành tài chính tăng 1,7% giá trị vốn hóa; ngành công nghiệp tăng 1,3% giá trị vốn hóa.
Nhiều yếu tố không còn thuận lợi
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu cũng đồng pha với chứng khoán thế giới, khi các thị trường đang đối diện với những bất lợi.
Chứng khoán Phố Wall đã kết thúc một tháng 4 ảm đạm vào phiên 29/4. Các chỉ số chính tại thị trường Phố Wall phiên này đồng loạt giảm mạnh.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,8% xuống 32.977,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,6% xuống 4.131,93 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 4,2% xuống 12.854,80 điểm.
Giới quan sát cho rằng, các yếu tố gồm lãi suất tăng, một số doanh nghiệp lớn báo cáo kết quả kinh doanh không như kỳ vọng và mối lo ngại ngày một lớn về triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã làm xáo động thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 4.
Tính chung trong cả tháng 4/2022, Chỉ số Dow Jones giảm 4,9% so với tháng trước đó, trong khi S&P 500 lùi 8,8% và Nasdaq Composite mất tới 13,3%.
Đây là mức giảm tỷ lệ phần trăm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020 đối với Dow Jones và S&P, và lớn nhất đối với Nasdaq Composite kể từ tháng 10/2008.
Ngoài ra, đây cũng là tháng 4 có hiệu suất tồi tệ nhất đối với Dow Jones và S&P 500 kể từ năm 1970 và là tháng giảm mạnh nhất đối với Nasdaq Composite kể từ năm 2000.
Kết thúc tháng 4 không mấy vui vẻ, các nhà đầu tư sẽ muốn tìm kiếm sự phục hồi vào tháng 5. Nhưng tình hình lại có vẻ sẽ không quá thuận lợi cho thị trường kể từ đây.
Sự sụt giảm lớn của tháng 4 xảy ra trước giai đoạn suy yếu thường thấy đối với chứng khoán, với tư duy "bán vào tháng 5 rồi biến mất" chính thức xuất hiện vào tuần tới.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến trong tuần tới (từ 2 - 6/5) sẽ tăng gấp hai lần mức độ kiềm chế lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ, trong khi phải đối mặt với một loạt cú sốc cả bên trong lẫn bên ngoài. Giới chuyên gia lo ngại rằng đến một ngày nào đó những yếu tố này có thể đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới đến một cuộc suy thoái.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) của Fed sẽ tổ chức cuộc họp chính sách trong ngày 3-4/5, và các quan chức hàng đầu phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm và công bố kế hoạch giảm mạnh khoản nợ mà họ nắm giữ.
Các quan chức hàng đầu Fed, gồm cả Chủ tịch Jerome Powell gợi ý rằng việc tăng nửa điểm phần trăm lãi suất có khả cao sẽ được đồng ý trong cuộc họp chính sách và gấp đôi so với mức tăng 0,25 điểm phần trăm mà FOMC triển khai trong tháng 3.
Fed dự kiến sẽ công bố kế hoạch cắt giảm hàng nghìn tỷ USD trái phiếu và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà Fed mua vào để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay.
Cả hai động thái trên sẽ siết chặt hơn nữa các điều kiện cho vay tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và có khả năng loại bỏ tình trạng giá tiêu dùng tăng với tỷ lệ cao chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng