Đã đến lúc thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế?
Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con / Dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê: Không thể vì hiện tượng tiêu cực mà cấm
Số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mỗi ngày, doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng..., tiêu dùng của người dân có xu hướng chững lại, giá dầu xuống thấp kỷ lục 18 năm và khó hồi phục trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài sang quý III, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng trong năm nay sẽ không đạt mục tiêu.
Ưu tiên bảo vệ sức khoẻ người dân
Trong cuộc họp với các ban ngành hồi đầu tháng 3, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã chuẩn bị các kịch bản để chủ động ứng phó và quyết tâm đảm bảo mục tiêu "kép" vừa chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc này sẽ khó thực hiện khi dịch bước sang giai đoạn hai với nhiều ca nhiễm hơn và nguy cơ lây lan lớn.
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% doanh nghiệp mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không dự kiến doanh thu giảm khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020; du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống) tê liệt; dệt may, da giày công nhân nghỉ hàng loạt và nghỉ luân phiên; từ Tết đến nay, ngành giáo dục dừng dạy và học...
Dịch Covid-19 còn khiến hoạt động sản xuất trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng “dính đòn”.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích, nếu tăng trưởng kinh tế trong hai quý liên tục sụt giảm thì về lý thuyết, nền kinh tế rơi vào suy thoái. Và nếu suy thoái kinh tế kéo dài sẽ gây ra khủng hoảng. Do đó, cần bảo vệ được lòng tin của người dân và khẳng định sẽ kiểm soát được dịch bệnh để mọi thứ dần đi vào bình thường. Lúc đó mới hy vọng kinh tế bớt bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Covid-19 không biết sẽ kéo dài đến khi nào, nên chúng ta cần phải ưu tiên bảo vệ sức khoẻ của người dân, cũng chính là của lực lượng lao động. Nếu không, khi dịch qua đi, Việt Nam sẽ không đủ nguồn lao động với sức khoẻ tốt và tinh nhuệ để làm việc", ông Bảo nói.
Từ nhận định trên, ông Bảo cho rằng đây là lúc Chính phủ nên cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng và ưu tiên toàn lực cho công tác chống dịch trong ngắn hạn nhằm hướng đến mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế dài hạn. Điều này cũng nhằm cho thấy cả hệ thống chính trị đang cùng nhân dân đồng lòng dồn hết nguồn lực để chống dịch.
Còn nếu vẫn đeo đuổi "mục tiêu kép" sẽ khiến Việt Nam dễ phân tán nguồn lực và trở nên kém hiệu quả, thậm chí có rủi ro. Theo ông Bảo: "Trong một bài toán bị ràng buộc phải tìm ra một kết quả tối ưu chứ không thể đạt được tất cả lợi ích. Nếu đem lên bàn cân, sức khoẻ của toàn dân lúc này quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế".
Giá dầu thô tác động lớn đến tăng trưởng
Đồng tình, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định thời điểm này khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cộng với việc giá dầu thấp kỷ lục 18 năm, đòi hỏi Chính phủ cần điều chỉnh lại chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng năm nay.
Ông Long phân tích, hiện Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhưng đồng thời nhập khẩu xăng dầu và một số mặt hàng thô để chế biến.
Trong đó, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 8% trong nguồn ngân sách hàng năm. Vì vậy, khi giá dầu giảm, đóng góp từ dầu thô vào ngân sách cũng sẽ sụt giảm.
Mới đây, trong báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp và giá dầu trên thế giới giảm, Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN) cho biếtkế hoạch PVN đặt ra trong năm nay là 60 USD/thùng, tương đương doanh thu là 4,668 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD.
Ngoài việc ngân sách hụt nguồn thu từ dầu thì nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu cũng giảm, vì vậy sẽ tạo lên tác động rất lớn đến nguồn thu ngân sách.
Đánh giá tác động của của việc giá dầu giảm "sốc" tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế năm 2020, ông Long cho rằng, giá dầu sụt giảm sẽ là tín hiệu tốt cho CPI. Theo đó, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Vì vậy khi giá xăng dầu giảm đồng nghĩa với việc giá cả các mặt hàng, dịch vụ cũng giảm theo, sẽ giúp đạt được mục tiêu lạm phát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, ngược lại, tăng trưởng kinh tế lại đối mặt với áp lực không hề nhỏ.
"Dầu mỏ là một trong những yếu tố có các tác động lớn đến tăng trưởng. Ví dụ có thời kỳ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu, chúng ta đã khai thác thêm dầu để đi bán nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cộng với việc giá dầu xuống thấp kỷ lục 18 năm đòi hỏi Chính phủ cần điều chỉnh lại chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng", ông Long nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo