ĐBSCL: Hàng chục ngàn tấn nhãn nguy cơ ứ đọng, không có nơi tiêu thụ
TP Hồ Chí Minh đang thiếu khoảng 400.000 quả trứng và 1,5 triệu tấn rau một ngày / ĐBSCL: Doanh nghiệp bảo đảm cung ứng hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội
Ông Nguyễn Văn Năm (42 tuổi, ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) giọng buồn bã lo lắng cho biết, 13.000m2 đất trồng nhãn Thái chia trái thành 3 đợt. Đợt trái đầu khoảng 6 tấn nhãn sắp đến ngày thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá nhãn xuống còn 8.000 - 9.000 đồng/kg.
“Nhiều năm trồng nhãn Thái chưa bao giờ tôi thấy giá xuống thấp như vậy. So với những năm không có dịch bệnh, giá nhãn luôn giữ ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, năm ngoái có dịch giá nhãn cũng ở mức 15.000 đồng/kg, còn năm nay rớt giá thê thảm”, ông Năm nói. Vườn nhãn ông Năm dự kiến có khoảng 20 tấn, nếu tính bán giá 8.000 đồng/kg thì không đủ tiền phân thuốc và nhân công chưa kể thời gian chăm sóc. Anh Hoà, chủ vườn nhãn Thái, nhãn long đến thời điểm thu hoạch ở cù lao An Hoà, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết, do cù lao bị phong toả nên có rất ít thương lái đến thua mua. Anh chỉ bán được số lượng nhỏ lẻ. Cù lao An Hòa có 60 ha nhãn nhưng đang bị phong tỏa do xuất hiện ổ dịch COVID-19. Từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ tiêu thụ được khoảng 13 tấn, giá thua mua tại vườn là 10.000 ngàn đồng/ký.
Huyện Châu Thành có 793 ha nhãn, dự kiến thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12 hơn với sản lượng hơn 13.400 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên siết chặt kiểm soát các phương tiện vận tải ra vào tỉnh, khiến việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn.
Riêng trong tháng 7 và tháng 8 có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch nhưng hiện chưa kết nối được đầu ra. Trước tình hình trên, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đã đến làm việc với lãnh đạo huyện Châu Thành để tìm cách tháo gỡ tìm đầu ra cho thương hiệu nhãn của địa phương này.
Ông Phong yêu cầu huyện Châu Thành phải rà soát số lượng, diện tích, phân bổ thời điểm thu hoạch và nắm được yêu cầu của đối tác tiêu thụ về chất lượng nhãn để tổ chức phân loại, cung ứng. Khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, nhất là tại khu vực cồn An Hoà, nơi đang phong tỏa cần tổ chức lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng dịch, thậm chí có thể ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có 3.130 ha trồng nhãn các loại, tổng sản lượng đến cuối năm gần 24.500 tấn. Hiện nay đã thu hoạch 1.300 tấn nhãn, sản lượng cần tiêu thụ trong tháng 8 khoảng 3.000 tấn nhãn. Tuy nhiên, do khó khăn trong khâu vận chuyển nên ảnh hưởng đến đầu ra, khiến giá nhãn ở Sóc Trăng hiện nay chỉ hơn 10.000 đồng/kg.
Tại Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) hiện có khoảng 200ha thanh nhãn và nhãn Ido đang trong thời gian thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua. Với năng suất trung bình 8 tấn/ha, tổng sản lượng nhãn của nông trường khoảng 1.600 tấn. Tuy nhiên, nông dân than rằng, do dịch bệnh COVID-19 nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ cũng không còn như trước.
“Hồi trước vô mùa thu hoạch là thương lái dập dìu, tới vườn đặt tiền cọc trước. Còn bây giờ không thấy bóng dáng cò lái nào ráo trọi. Họ nói các chợ đầu mối lớn đã đóng cửa hết rồi nên không tiêu thụ được”, một nông dân trồng nhãn tại đây nói. Còn ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết, giá nhãn hiện tại giảm mạnh vì không có người mua, nhà vườn không biết bán đi đâu. Nhãn Ido trong năm trước có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn 6.000 đồng/kg, còn thanh nhãn hiện chỉ còn 40.000 đồng/kg trong khi năm trước có giá lên đến 65.000 -75.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, giải pháp tìm đầu ra cho ngành nông sản lúc này là cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống kho lưu trữ. Cụ thể là kho lạnh để có thể thu mua và trữ các mặt hàng nông sản của nông dân sản xuất.
Chính sách về lãi suất cần tính đến cho những ưu tiên này để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Nhà nước tập trung cho hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển để hàng hóa được lưu thông tốt hơn, khi đó các doanh nghiệp thương mại sẵn sàng thu mua nông sản và điều tiết được thị trường tiêu thụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo