Đề xuất của EU về thẩm định tính bền vững tạo thách thức cho doanh nghiệp Việt
Việt Nam - Liên Hợp quốc ký văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững 2022-2026 / Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Phát triển bền vững tới năm 2030, Việt Nam cần nguồn vốn 360 tỷ USD
Phát biểu khai mạc hội thảo “Hợp tác doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon: xu hướng và cơ hội”, sáng ngày 18/8, ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) cho biết, dự án “Win-Win for Vietnam” do Phái đoàn EU tại Việt Nam đồng tài trợ bắt đầu triển khai từ ngày 1/9/2020 đến 29/2/2024.
Mục tiêu dự án là tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tại Việt Nam trong các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) và hợp tác tạo giá trị chung (CSV) hướng tới phát triển bền vững.
Đồng thời, xây dựng một mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Nâng cao nhận thức của các bên liên quan đến phát triển bền vững và các mối quan hệ đối tác giữa nhiều bên. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án này.
Theo bà Brenda Candries - đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam, EU coi trọng việc hợp tác với các tổ chức xã hội và các hiệp hội của khu vực tư nhân để đạt sự phát triển bền vững và bao trùm, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi lĩnh vực hợp tác của chúng ta.
“Tôi khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức xã hội để mang lại cơ hội kết nối và xây dựng mạng lưới, nhằm bảo đảm chuỗi giá trị toàn cầu có khả năng chống chọi và bền vững hơn”, bà Brenda Candries nói.
Bà Brenda Candries nhấn mạnh, EU đang đề xuất đưa ra bộ luật mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Tính bền vững là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ song phương giữa EU, các quốc gia thành viên EU và Việt Nam.
Đề xuất mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp châu Âu được đưa ra hồi tháng 2/2022, sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bảo vệ quyền con người tại châu Âu và các khu vực khác.
Đề xuất này cũng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch liên quan đến tác động xã hội và môi trường của các hoạt động doanh nghiệp thông qua việc hiện đại hoá các quy định về nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, đề xuất này quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thẩm định để ngăn chặn, chấm dứt, giảm thiểu các tác động bất lợi đối với quyền con người, môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp trong và ngoài châu Âu.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp của dự thảo đề xuất này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng bởi họ là một phần trong chuỗi giá trị của những doanh nghiệp lớn hơn.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không hoạt động tại châu Âu vẫn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng.
“Tôi nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có hợp tác kinh doanh với EU bắt buộc phải tuân thủ các quy định này nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh với EU. Các tác động đến thương mại và kinh doanh ở Việt Nam có thể sẽ ở mức đáng kể. Việt Nam là một đối tác xuất khẩu quan trọng của EU trong các ngành có nhiều rủi ro về tính bền vững”, bà Brenda Candries nhấn mạnh.
Những thách thức chính đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam, theo bà Brenda Candries là liên quan đến thiếu sót trong nhận thức và hiểu biết; thiếu minh bạch và thiếu khả năng truy xuất nguồn đối với các nhà cung ứng trực tiếp của doanh nghiệp.
Những thách thức này doanh nghiệp cần ghi nhớ và có các hành động đối phó thích hợp trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo