Doanh nghiệp siêu nhỏ được 'cởi trói' vì không phải lập báo cáo tài chính
Muốn gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phải giám sát hành trình tàu cá / Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc tăng rất mạnh
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đã chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề này.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Quan điểm của bà về quy định mới này như thế nào?
Thông tư 132 quy định, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu thì không cần lập sổ sách kế toán, không bắt buộc lập báo cáo tài chính. Quy định này đã đơn giản hóa chế độ kế toán, phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Đặc biệt, Thông tư 132 cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay.
Bên cạnh đó, Thông tư 132 cũng quy định doanh nghiệp siêu nhỏ không cần phải có kế toán trưởng; doanh nghiệp siêu nhỏ có thể bố trí nhân lực làm sao để đảm bảo hoạt động thông suốt. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế theo phương pháp kê khai, họ có thể thuê các công ty dịch vụ kế toán, kể cả thuê kế toán trưởng. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tới đây còn cho phép các đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nên doanh nghiệp có thể thông qua đại lý thuếhoặc công ty làm dịch vụ về kế toán để kê khai thuế và làm luôn kế toán.
Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp. Vậy, Thông tư 132 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp?
Theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp. Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có hơn 1,5 triệu và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Rõ ràng, để đạt được mục tiêu, các nghị quyết trên phải có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý rõ ràng để đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Các thủ tục về thuế phải đơn giản, thủ tục về tín dụng, tiếp cận thị trường, hỗ trợ về công nghệ thông tin cần phải tốt hơn, mới tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Theo quy định cũ, doanh nghiệp phải có bộ máy kế toán, phải làm báo cáo tài chính. Quy định này khiến cho doanh nghiệp siêu nhỏ vướng mắc nhiều.
Thông tư 132 đã tháo gỡ nhiều nút thắt cho doanh nghiệp, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là một bước đột phá để tháo gỡ những khó khăn bấy lâu nay của doanh nghiệp.
Cùng với việc chuyển đổi chế độ kế toán đơn giản, việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng đã hỗ trợ tốt đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Hiện, những doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hỗ trợ phần mềm khởi tạo hóa đơn điện tử miễn phí. Vì vậy, điều này đã giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Theo bà, cần phải có thêm cải cách gì để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp?
Ngoài đơn giản hóa chế độ kế toán, không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính, các thủ tục khác như: Đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp cần phải đơn giản. Việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp phải tạo thuận lợi, nhưng cũng đảm bảo tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp ma để trốn thuế. Thêm vào đó, khi người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị giải thể, tiến hành thành lập doanh nghiệp mới phải xuất trình chứng từ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế mới được cấp phép.
Để tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh thì cần phải tạo môi trường pháp lý bình đẳng giữa 2 đối tượng này. Đồng thời có chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ như: Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%. Bên cạnh ưu đãi về thuế thì cần phải giảm thiểu thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực ảnh hưởng đến việc thành lập, chuyển đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng này.
Hiện nay, đã có Luật Doanh nghiệp, nhưng luật này chưa điều chỉnh đến các hộ cá nhân kinh doanh hoặc chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì thế, cơ chế pháp lý đối với hộ cá nhân kinh doanh cần phải được quan tâm, đảm bảo tiếp cận về tất cả các lĩnh vực, kể cả thủ tục thuế, thanh tra, kiểm tra, bảo hiểm xã hội (BHXH), vốn… để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển. Hộ kinh doanh cũng phải được thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, nộp thuế, chính sách bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm… giống như các doanh nghiệp siêu nhỏ. Việc quản lý doanh thu của hộ kinh doanh nếu quản lý không tốt, sẽ tạo ra sự ứng xử không công bằng về thuế với doanh nghiệp siêu nhỏ. Đảm bảo hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ được ứng xử công bằng, khuyến khích khi hộ kinh doanh đủ điều kiện thì phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo