Đường nội tìm cách nâng 'sức đề kháng'
Gỗ Việt nơm nớp nỗi lo rủi ro giả xuất xứ / Ngành ngân hàng đang... thất thu phí dịch vụ
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Về sản xuất, năng lực trung bình của Việt Nam đạt trung bình từ 1-1,3 triệu tấn đường/năm trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm.
Đường Thái Lan đổ bộ
Tuy vậy, kể từ khi Việt Nam bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN (thực thi Hiệp định ATIGA), tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu đạt gần 820.000 tấn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Đường nội khốn khổ trên thị trường trong nước. |
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 750.000 tấn trong 7 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 chỉ là 104.000 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn).
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Mía đường Lam Sơn, chia sẻ đường nội địa đang rất khó khăn, giá đường thấp hơn giá thành, sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho lớn. Cùng với việc Hiệp định ATIGA có hiệu lực, đường nhập lậu không được kiểm soát làm cho ngành mía đường trong nước khó khăn lại càng khó khăn.
Theo ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC), trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc. Có khoảng 300.000 ha mía đường, 300.000 nông dân trồng mía đường. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa. Trong 30 nhà máy này, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Hiện nay, nông dân trồng mía chỉ còn dưới 170.000 người.
Vào những năm 2015-2016, Việt Nam có thể sản xuất 1,5-1,6 triệu tấn mía đường thì hiện nay chỉ sản xuất được 700.000 tấn. Tính đến nay, chúng ta nhập khẩu khoảng hơn 800.000 tấn đường, dự kiến hết năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn.
"Như vậy, thị trường trong nước phụ thuộc vào nước ngoài, người nông dân đang ở thế bỏ cây mía thì không biết trồng cây gì, doanh nghiệp (DN) đứng trước nguy cơ phá sản", ông Dương lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng từ khi thực thi cam kết ATIGA, đường được tự do nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều khách hàng công nghiệp của ngành đường đã nhập khẩu trực tiếp và giảm hoặc không mua đường sản xuất từ mía. Thị phần đường còn lại là "sân chơi" cạnh tranh của các đơn vị thương mại nhập khẩu và hệ thống gian lận thương mại đường nhập lậu, giá đường nội bị đẩy xuống sát với giá đường nhập khẩu và có khi thấp hơn, đường sản xuất từ mía chỉ có cách tồn kho hoặc bán lỗ dưới giá thành sản xuất.
Nguyên nhân là Việt Nam chưa có các công cụ hữu hiệu để bảo vệ thị trường đường nội địa như các quốc gia lân cận, khi họ (bằng nhiều cách khác nhau) chỉ cho phép đường nhập khẩu được vào thị trường sau khi đường sản xuất từ mía trong nước đã được tiêu thụ.
Tăng sử dụng 'khiên chắn'
Theo đó, ông Lộc khẳng định, năng lực của ngành mía đường nếu được đưa về điều kiện ngang bằng với các nước, đường nội sẽ đủ khả năng cạnh tranh. DN sẽ cố gắng nhưng cũng rất mong chờ vào các biện pháp phòng vệ của cơ quan chức năng phát huy được tác dụng càng sớm càng tốt, mong là trước khi vào vụ sản xuất mới.
Ông Phạm Hồng Dương kiến nghị: Nhà nước cần phải có chính sách để loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh. Về phần DN sẽ hướng đến chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác hữu cơ, để phát triển vào các sản phẩm organic cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cung cấp giống cũng như giải pháp về đường phát triển sản phẩm.
Trước phản ánh của DN, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, khẳng định: Việt Nam phải hội nhập, nhưng vấn đề là làm thế nào để bảo hộ ngành mía đường một cách hợp pháp, hợp lý. Để làm được điều này, chúng ta có nhiều cách giải quyết từ sản xuất trong nước đến hỗ trợ ngành đường, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể. Đồng thời, bảo vệ ngành sản xuất trong nước bằng công cụ được phép.
Hiện, ngành mía đường trong nước đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng làm từ ngô (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Công Thương đã xem xét, thẩm định theo quy định pháp luật và đã ban hành quyết định tiến hành điều tra. Cơ quan điều tra đang yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình điều tra.
Ngoài ra, đối với sản phẩm mía đường, ngành sản xuất trong nước cũng đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Bộ Công Thương đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ để ra quyết định về việc khởi xướng điều tra trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường nhập khẩu. Thống kê tình hình sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các DN trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương