EVFTA là sức ép hợp lý để doanh nghiệp Việt Nam - Slovenia nâng cao năng lực cạnh tranh
DNVN - Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, tuy cơ hội của Việt Nam và Slovenia trong thực thi EVFTA là rất lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Song phải khẳng định rằng thách thức của EVFTA là tích cực, là sức ép hợp lý để các DN Việt Nam - Slovenia điều chỉnh cách thức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xuất, nhập khẩu tăng mạnh nhờ CPTPP và EVFTA / Cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau 2 tháng EVFTA có hiệu lực
Nhận định này đã được ông Vũ Bá Phú đưa ra tại Hội nghị giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Slovenia do Đại sứ quán - Thương vụ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia, cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đồng tổ chức chiều 2/3/2021.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Bá Phú dành nhiều thời gian nói về những lợi ích cũng như thách thức từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với doanh nghiệp Việt Nam và Slovenia.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cơ hội từ EVFTA đã và đang mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với nhiều thị trường trên thế giới nói chung và Slovenia nói riêng.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Slovenia.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực đúng lúc doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề vì Covid-19, nhờ đó trao đổi thương mại giữa Việt Nam với EU vẫn duy trì được luồng chảy tích cực. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 49,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 34,9 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,7 tỷ USD.
Dự kiến năm 2021, Hiệp định EVFTA được nhận định sẽ tiếp tục là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU. Những lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển là nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Ngoài ra còn có các thị trường như tài chính, chứng khoán, bất động sản… Đặc biệt, với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo hiện nay, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi trong vài năm tới.
"Về hợp tác kinh tế với Slovenia, EVFTA với các cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng có xuất xứ Việt Nam và Slovenia sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh, giúp hàng hóa của hai quốc gia cùng có thể mở rộng thị phần tại các thị trường của nhau cũng như các thị trường EU khác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Một trong lĩnh vực cam kết chính trong EVFTA là các điều khoản ưu đãi về thương mại hàng hóa, thuế. Trong thời gian 10 năm kể từ khi chính thức có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Hiệp định EVFTA là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế - pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới.
"Vì vậy có thể nói tuy cơ hội của Việt Nam và Slovenia trong thực thi EVFTA là rất lớn nhưng những thách thức cũng không hề nhỏ. Nhưng phải khẳng định rằng thách thức của EVFTA là thách thức tích cực, là sức ép hợp lý để các doanh nghiệp hai nước điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình", ông Vũ Bá Phú nói.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, trong thời gian tới, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu, dự kiến các thị trường trên thế giới hồi phục, các doanh nghiệp Việt Nam và Slovenia cần lưu ý tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và tận dụng lợi ích từ Hiệp định EVFTA, nắm vững quy tắc xuất xứ, hàng hoá có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại bảy tỏ mong muốn, thông qua hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam và Slovenia sẽ có cơ hội tốt để tìm hiểu về năng lực của nhau, cùng thảo luận cởi mở về các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hai nước vượt qua thời kỳ khó khăn, góp phần phát triển quan hệ thương mại bền vững Việt Nam - Slovenia.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Cột tin quảng cáo