Thị trường

Gạo dẫn đầu Top tiềm năng xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam sang Ba Lan

DNVN - Thị trường Ba Lan có nhu cầu lớn về nhiều loại mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong khi đây là những sản phẩm thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, còn rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai thác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là mặt hàng gạo.

5 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường / Phát triển cảng biển Việt Nam: Cần quy hoạch mới

Nhiều tiềm năng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Ba Lan
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến Xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan 2021 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, những năm gần đây, ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Năng lực cung ứng hàng nông, thủy sản của Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, với việc kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19 và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào hiệu lực, Việt Nam đang có nhiều điều kiện phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nông sản, thực phẩm.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là FTA thế hệ mới mang lại nhiều tác động tích cực đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, đồng thời tác động tích cực tới trao đổi thương mại Việt Nam – Ba Lan. Ngay trong năm EVFTA có hiệu lực (năm 2020), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 2,115 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2019. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,774 tỷ USD, tăng 18,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đạt 341 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị.
EVFTA được doanh nghiệp Việt Nam mong đợi là bởi ngay sau khi có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 7 năm, xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy cho đến nay, cam kết trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết.
“Do chênh lệch thuế nhập khẩu từ 10-15% so với hàng hóa cùng chủng loại từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và một số nước châu Á khác như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… nên hàng Việt Nam vào EU nói chung và Ba Lan nói riêng có sức cạnh tranh đáng kể”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 10 của EU nhưng cũng mới chỉ chiếm khoảng 1,8% thị phần, do vậy còn rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai thác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU và Ba Lan.
Những nông sản, thực phẩm chính có thế mạnh
Phân tích sâu về tiềm năng của nông sản, thực phẩm Việt Nam tại thị trường Ba Lan, ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, các sản phẩm nông sản chính có thế mạnh là cà phê, thủy sản, hạt tiêu, gạo và trà.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, trước mắt, các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu (XK) sang Ba Lan rất cao, trong đó đầu tiên phải kể đến là gạo. Tuy chưa được hưởng mức thuế suất 0% nhưng Uỷ ban châu Âu đưa ra một số quy định riêng và với hạn mức 80.000 tấn gạo/năm được hưởng ưu đãi thuế, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát, 30.000 tấn gạo thơm (gạo tấm không bị áp dụng hạn ngạch). Trong thời gian qua, gạo Việt Nam đã cạnh tranh được với gạo các đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường. Ví dụ gạo của Thái Lan. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan hiện đang thấp hơn 2 - 3% so với gạo của Thái Lan và đặc biệt có hai giống gạo nổi tiếng cạnh tranh tốt với gạo Thái Lan và các nước khác ở châu Á, đó là gạo ST24 và ST25.

Gạo là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng XK sang Ba Lan. (Ảnh: TTXVN)
"Với loại gạo này, tại thị trường Ba Lan, đối tượng chính vẫn là các cư dân châu Á đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan họ vẫn ưa chuộng giống gạo từ Việt Nam. Đây là mặt hàng mà theo tôi còn rất nhiều dư địa để xuất khẩu sang Ba Lan", ông Nguyễn Thành Hải chia sẻ.
Tiếp đến là hoa quả và nước ép Việt Nam. 94% các sản phẩm hoa quả của Việt Nam ngay lập tức thuế suất đã về 0%. Mặt hàng này có rất nhiều cơ hội XK như quả xoài, quả dứa, chanh leo, nhu cầu thị trường rất lớn tại Ba Lan. Bên cạnh đó Ba Lan cũng có nhu cầu lớn về các loại nước cô đặc từ hoa quả. Doanh nghiệp Việt Nam còn bỏ ngỏ mặt hàng này tại thị trường Ba Lan. Ngoài ra, mặt hàng nước mía, nước dừa đóng chai cũng là một gợi ý tốt cho doanh nghiệp.
Nhóm hàng tiếp theo là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các mặt hàng này đã được hưởng thuế suất 0%. Qua khảo sát, 60% nguyên liệu sản xuất cà phê, 40% hạt tiêu, 30% hạt điều tại thị trường Ba Lan đến từ Việt Nam nhưng chủ yếu qua các nhà phân phối lớn của Đức, Hà Lan và chưa có thương hiệu của Việt Nam xuất hiện trên thị trường. Thời gian gần đây, nhu cầu các mặt hàng này của Việt Nam đang mở rộng hơn với lợi thế giá cả cạnh tranh, đặc biệt doanh nghiệp Ba Lan chuyển hướng mua nguyên liệu trực tiếp từ nhà sản xuất. Đây là cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến mặt hàng thuỷ sản, ông Nguyễn Thành Hải cho biết, có 2 mặt hàng có tiềm năng vào thị trường Việt Nam là tôm, và cá tra - cá basa. Về tôm, đối thủ cạnh tranh chính là Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador. Sau khi tham gia EVFTA, tôm nguyên liệu (tôm chưa qua chế biến) nhập khẩu của EU sẽ được giảm 0% thuế suất ngay lập tức. Lợi thế rõ rệt cho Việt Nam với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu (thuế tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm). Trong khi Thái Lan chịu mức thuế cơ bản 12%, Ecuador 12%, Ấn Độ 4,2%, Indonesia 4,2%.
"Với cá tra và cá basa - đây là mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Tại Ba Lan, cá tra và basa là 1 trong top 5 các loại cá được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, thị hiếu của người Ba Lan cũng chuyển dần sang dùng các loại cá thịt trắng khác thay thế. Dù vậy, với lợi thế về chất lượng sản phẩm, khả năng cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giành lại thị phần", ông Hải nói.
Liên quan đến chiều ngược lại, ông Hải cho rằng, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu tại châu Âu về thịt, các sản phẩm sữa và đồ uống. 5 mặt hàng nhập khẩu từ Ba Lan có tính cạnh tranh rất cao ở thị trường Việt Nam: thịt, sữa, hoa quả, nước ép, chế phẩm - dược phẩm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Để tận dụng được ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA, theo ông Nguyễn Thành Hải, doanh nghiệp hai nước cần bám theo những quy tắc nhất định. Thứ nhất phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ, nỗ lực tận dụng các điều khoản linh hoạt. Về hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các chứng chỉ cho hàng nông sản, thực phẩm như Global GAP, HACCP, IUU.
Ông Nguyễn Thành Hải cho biết thêm, Ba Lan đang dần chuyển sang tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường. Các DN cần chuẩn bị đón đầu xu hướng này trong thời gian tới. Đơn cử như trong năm 2021 và năm 2022, EU quy định tất cả bao bì đựng thực phẩm trong siêu thị phải chuyển sang sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng bao bì nhựa.
Thời điểm này rất khó khăn cho các hoạt động giao thương và trao đổi thương mại trên toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan, do dịch Covid 19 gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng các nền tảng số để xúc tiến thương mại đã mang đến cơ hội để doanh nghiệp hai nước được gặp gỡ, giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm