Gạo Việt tiến vào EU, chỉ ngon và rẻ là chưa đủ?
Khách hàng thờ ơ, nhiều cửa hàng bánh trung thu ảm đạm / Hết cảnh trái cây Việt 'ngóng' thị trường Trung Quốc?
Ngày 22/9, những lô hàng gạo thơm của Việt Nam sẽ chính thức được xuất khẩu sang EU với thuế suất ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18kg.
Hưởng ưu đãi từ EVFTA
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm, EU nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 1,4 tỷ Euro. Do vậy, khi thực hiện Hiệp định EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để XK vào EU. Hiện nay, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).
Được cắt giảm thuế, gạo Việt Nam đắt hàng ở châu Âu. |
Đặc biệt, cam kết sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết năm 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (năm 2019); 150 Euro/tấn (năm 2020) và 125 Euro/tấn (năm 2021).
8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15,8 nghìn tấn, giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Mới đây nhất, từ ngày 4 - 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm. Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.
Các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan, chiếm khoảng 43-46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với trên 3 triệu tấn.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU từ năm 2018. Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451… vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng.
Từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Tập đoàn Lộc Trời đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp.
"Chất lượng sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của nông sản Việt nói chung và mặt hàng gạo nói riêng khi xuất khẩu vào EU. Chính vì vậy, doanh nghiệp xác định phải chú trọng vào việc kiểm soát chất lượng trên khắp các vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất, chế biến", ông Thòn nói.
Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 HTX liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.
Còn nhiều việc phải làm
Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, với các chính sách phát triển thị trường, các đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đến các thị trường cao cấp.
Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu cũng phản ánh, dù có lợi thế về giá, hương vị cũng khá ngon nhưng những tiêu chí này vẫn chưa đủ để gạo Việt tạo lợi thế cạnh tranh lớn ở EU.
Ông Ngô Minh Đường, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune cho rằng, gạo Việt Nam cần phải làm thế nào để đáp ứng được các tiêu chí như lô hàng sau phải giống lô hàng trước, giá cả phải ổn định. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường châu Âu vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Phần lớn gạo Việt Nam hiện nay vẫn chỉ xuất khẩu dưới dạng bao lớn và đóng nhãn mác nhà nhập khẩu.
TheoBộ trưởng Bộ NN&PTNTNguyễn Xuân Cường, Hiệp định EVFTA là "chìa khóa" để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng. EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD/năm là thị trường lớn có mức thu nhập cao.
Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng và Thương vụ Việt Nam ở thị trường EU rà soát, cập nhật, theo dõi sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và cơ chế, chính sách nhập khẩu của thị trường EU. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hàng rào kỹ thuật và thương mại của khu vực đối với mặt hàng gạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh