Giải pháp nào để hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam?
DNVN - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang chuyển dần sang một giai đoạn mới, không chỉ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà tiến tới hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, theo đó cần có các giải pháp cụ thể và trọng tâm trong thời gian tới.
Tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái / Việt Nam sẽ có 10 công ty công nghệ tỷ USD vào năm 2030
Nhân dịp Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có bản tham luận "Vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
VINASME là tổ chức đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, là Thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để góp phần thực hiện Cuộc vận động, VINASME đã phối hợp với các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, thông tin quảng bá sản phẩm hàng hoá, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hoá, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi tập trung đông dân cư; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp một số giải pháp khoa học.
Sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và đông đảo các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, hưởng ứng và bước đầu đạt được những kết quả thiết thực, góp phần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt, khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Theo VINASME, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực đến toàn xã hội, đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, sức mua sắm hàng hóa Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường và phát triển thị trường nội địa.
"Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay người tiêu dùng Việt không còn tâm lý sính ngoại nhiều như trước, họ ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, thương hiệu. Đó là một tín hiệu đáng mừng, những thay đổi rõ nét trong nhận thức, cũng như tư duy của người Việt đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước", tham luận có đoạn viết.
Cuộc vận động đã giúp lực lượng doanh nghiệp nâng cao ý thức, chủ động sản xuất các sản phẩm hàng Việt Nam có sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là nắm bắt được thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra những sản phẩm phù hợp và được đánh giá cao, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kết nối, giao thương, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước. Hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu của mình, đó cũng là lời khẳng định cho trí tuệ trong sản xuất kinh doanh của người Việt.
Tuy nhiên, VIANSME cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn bộc lộ một số hạn chế, cần khắc phục.
Cụ thể, theo VINASME, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn còn non trẻ so với các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực nên sức cạnh tranh yếu; công tác kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở khiến nhiều hàng ngoại nhập chất lượng thấp, thậm chí kém chất lượng có cơ hội tiêu thụ rộng trong thị trường nội địa, lấn át hàng Việt Nam.
Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, chỉ hàng hóa phục vụ xuất khẩu mới cần chất lượng tốt, hàng trong nước thì "thế nào cũng được". Một số sản phẩm lúc đầu mới đưa ra thị trường có chất lượng tốt, sau một thời gian do không bảo đảm tính ổn định, sao nhãng việc đổi mới, dần làm mất lòng tin nơi người tiêu dùng. Không ít doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách giảm giá trị đầu vào của sản phẩm, thậm chí sử dụng nguyên liệu phẩm cấp thấp, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hàng hóa khá đơn điệu, đầu tư hàm lượng trí tuệ và giá trị vào cải tiến, đổi mới không nhiều, hiện tượng "nhái" mẫu mã của nước ngoài còn phổ biến, không tạo được sự khác biệt, chất lượng lại thấp hơn nên hàng ngoại càng có cơ hội lấn át hàng nội. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường. Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả.
Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của CVĐ đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn có tư tưởng ham giá rẻ nhập khẩu, còn mang tâm lý “sính” hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt. Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn sâu nặng trong một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao và khá cao.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang chuyển dần sang một giai đoạn mới, không chỉ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà tiến tới hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Từ thực trạng này, VINAMSE đã đề xuất 5 giải pháp cụ thể như sau:
Một là, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính; khơi dậy cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có vai trò của các cấp ủy đảng, HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện Cuộc vận động. Phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần cùng chính quyền thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hai là, tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng Việt.
Ba là, phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Vận động doanh nghiệp tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, thông tin, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường giải pháp tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm.
Bốn là, tập trung nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm hàng hóa Việt. Mở rộng các kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh để mang tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép.
Năm là, vận động các doanh nghiệp thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng. Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội bảo vệ người tiêu dùng tổ chức các hoạt động "Tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng"; tổ chức sự kiện, các hình thức tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình trong tiêu dùng hàng Việt. Phối hợp có biện pháp quản lý chặt chẽ việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn,... nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc.
VINASME khẳng định rằng, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ có ý nghĩa trước mắt trong 5-10 năm tới mà còn có ý nghĩa sâu xa, lâu dài cho mai sau, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt cần quan tâm chú trọng tuyên truyền rộng hơn, sâu sắc hơn đến thế hệ trẻ, là học sinh, sinh viên để thế hệ tương lai của đất nước, nhận thức đúng về ý nghĩa sâu xa của Cuộc vận động, là trách nhiệm, quyền lợi và thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam; góp phần xây dựng và làm sâu sắc hơn nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới, cùng nhau đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo