DNVN - Mong muốn của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nói chung và hệ thống bệnh viện, y tế nói riêng là sẽ không có sự phân biệt công - tư theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tạo điều kiện tốt nhất cho hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam chia sẻ như vậy tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức vào sáng 06/6 tại Hà Nội.
Ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh các thành tựu đạt được, sau 10 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh đã nảy sinh một số vấn đề về thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 9 chương và 113 điều. Ngoài việc sửa đổi các nội dung mang tính kỹ thuật, dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tập trung vào việc giải quyết các tồn tại, bất cập trong hơn 09 năm tổ chức triển khai, cụ thể, gồm các nội dung liên quan đến chứng chỉ hành nghề; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; an ninh bệnh viện...
Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều nhất trí cao về nội dung cơ bản của dự thảo. Tuy nhiên một số ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm để có những điều chỉnh phù hợp.
Không phân biệt công - tư
Liên quan tới Khoản 13, Điều 6: "Cấm cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân...", một số đại biểu tham dự hội thảo trăn trở về vấn đề công - tư. Ông Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng băn khoăn liệu đây có phải là sự phân biệt đối xử giữa các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân hay không? Trong khi đó, ông Phạm Văn Học, Luật sư - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương quy định này không phù hợp, cần phải xem xét lại.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, với tinh thần của hội thảo góp ý hoàn thiện cho Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), mong muốn của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nói chung và hệ thống bệnh viện, y tế nói riêng là sẽ không có sự phân biệt công - tư theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với hệ thống khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân.
Cho rằng, KCB là nghề cao quý với sứ mệnh KCB cho người dân, ông Đệ cho rằng, mọi cơ chế, chính sách phải phù hợp theo cơ chế đổi mới như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở và chỉ đạo, đó là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân đều KCB cho nhân dân. Cơ chế chính sách, đặc biệt là Luật phải có bước đột phá, đổi mới mới huy động được nguồn lực của nhân dân, của DN để đầu tư vào lĩnh vực này.
Nếu luật ra đời mà bó buộc, phát sinh nhiều vấn đề, làm hạn chế công - tư của DN thì sẽ không đạt được mục đích theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
"Ngoài ra, chúng ta đang góp ý sửa đổi dự thảo luật cho luật mới để sau này đỡ ban hành thông tư, nghị định. Nội hàm của bộ luật này phải toát lên được thông điệp của Nhà nước là không cấm, tạo điều kiện tốt nhất cho y, bác sĩ hành nghề và mục tiêu cuối cùng là chất lượng KCB cho nhân dân, để người dân không phải ra nước ngoài, không phải chạy từ địa phương lên TW mới được KCB", ông Đệ nói.
Tại sao phải gia hạn giấy phép hoạt động 5 năm/lần?
Về giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB quy định, Điều 44 quy định giấy phép hoạt động được cấp lần đầu cho cơ sở KCB có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 43 của Luật này và được cấp gia hạn 5 năm/lần, đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đề nghị bỏ nội dung "được cấp gia hạn 5 năm/lần. Bệnh viện này giải thích: Trong Tờ trình không nêu rõ sự cần thiết căn cứ tại sao phải gia hạn 5 năm/lần. Việc cấp giấy phép cần thực hiện một lần duy nhất như luật hiện hành.
Theo đại diện bệnh viện này, nếu có quy định trên thì các nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào lĩnh vực y tế vì rất rủi ro bởi đầu tư vào y tế là đầu tư dài hạn, dầu tư lớn và phải mất thời gian mới xây dựng được uy tín. Nếu như có điều kiện 5 năm phải đi xin phép lại thì đây là một tư ngắn hạn, sẽ không phải là khoản đầu tư an toàn với một số tiền đầu tư lớn như vậy.
Ngoài ra, hàng năm các cơ quan quản lý đều tiến hành thanh tra, kiểm tra đánh giá chất lượng, nếu cơ sở KCB không đủ điều kiện thì sẽ rút giấy phép theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đệ và ông Nguyễn Thanh Hồi đều có chung băn khoăn về Điều 17 quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm. Cả hai ông cho rằng, quy định này cần cân nhắc kỹ đồng thời đặt câu hỏi Bộ Y tế có hướng xử lý như thế nào với những chứng chỉ hành nghề đã cấp không xác định thời hạn?
Bên lề hội thảo, chia sẻ với báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định, Việt Nam thuộc trong số rất ít quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời. Theo thống kê, chỉ có 3, 4 nước cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời, còn tất cả các nước khác là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
"Yêu cầu chứng chỉ có thời hạn đòi hỏi người hành nghề nếu không cập nhật kiến thức y khoa liên tục, không giữ được y đức, có những sai sót về mặt chuyên môn y tế thì người làm công tác y tế không nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng", ông Quang giải thích.
Do vậy, theo ông Quang cần có quy định cần tăng cường năng lực của người hành nghề thông qua việc thi lý thuyết và thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề hoặc những quy định gắn với những cơ sở KCB, tức là chỉ những bệnh viện, cơ sở nào đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình chuyên môn thì mới có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Và đặc biệt là năng lực của người hành nghề đến đâu thì được KCB đến đó tại cơ sở KCB.
Minh Thu