Hàng Việt đạt chuẩn 'đi Tây' vẫn... khó lên sàn
Doanh nghiệp xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Không bỏ lỡ cơ hội lớn / Cao Sao Vàng Việt Nam được bán với giá 1,4 triệu/hộp tại Hàn Quốc
Sản phẩm khăn mặt, khăn bông Poemy của công ty CP Quốc tế VAG đã vào được các kênh phân phối hiện đại như Big C, Aeon, BiboMart... Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Hải, đại diện doanh nghiệp (DN) cho biết, điều này chưa thể giúp tăng doanh số nhiều do bị giới hạn về địa lý, không gian... nên chỉ một số lượng nhỏ người dùng biết tới sản phẩm của công ty này.
Vắng bóng trên "sàn"
Bởi vậy, năm 2020 khi dịch COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp của ông Hải đã gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải tìm đến phân phối sản phẩm qua mạng xã hội, đồng thời bán hàng trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). "Nếu không làm online, chuyển đổi số chắc chắn DN sẽ gặp khó khăn rất lớn", ông nói.
Nông sản Việt vẫn còn vắng bóng trên sàn thương mại điện tử. |
Tương tự, ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX Mỳ chũ Xuân Trường (Bắc Giang), cho hay từ nhiều năm nay, sản phẩm của HTX đã có mặt ở các siêu thị trong nước, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch... Bên cạnh đó, sản phẩm còn được xuất khẩu tới Trung Quốc, Hàn Quốc... với doanh thu 10 tỷ đồng/năm.
Để hạn chế tác động từ dịch COVID-19, DN đã tìm hướng đưa sản phẩm lên một số sàn TMĐT, tuy nhiên việc này không hề dễ dàng, đến nay DN vẫn đang trong quá trình mày mò.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam rất tốt, có bao bì, nhãn mác bắt mắt, xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, thậm chí tiêu thụ khá tốt ở siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch... Nhưng họ cần có kênh bán hàng là sàn TMĐT để thu hút đối tượng tiêu dùng lớn, nhưng điều này lại đang khó khăn.
"Chúng tôi đồng hành với đặc sản vùng miền rất nhiều năm và thấy rằng nhiều sản phẩm tốt, thậm chí có sản phẩm được nhà hàng của Pháp rất ưa chuộng. Tại sao ở Việt Nam, nông sản của chúng ta lại không thể xuất hiện trên sàn TMĐT. Đây là vấn đề rất đáng tiếc", bà Mai Anh chia sẻ.
Thấy rõ điểm bất cập này, Bộ Công Thương đang phối hợp các sàn TMĐT Việt Nam để xây dựng "gian hàng Việt trực tuyến". Gian hàng được kỳ vọng sẽ tập hợp các thương hiệu Việt uy tín, sản phẩm Việt chất lượng của các DN sản xuất được phân phối thông qua hình thức hàng hóa hiện đại - TMĐT.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của tương lai, “Gian hàng Việt trực tuyến” có thể xem là một biên pháp giúp các DN Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.
Đặc biệt, bên cạnh các cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTTP, EVFTA có hiệu lực, thì cũng có không ít thách thức đòi hỏi DN sản xuất Việt phải cùng nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình, và phát triển bền vững hơn nữa tại thị trường trong nước.
Chưa tìm được tiếng nói chung?
Tuy vậy, ngay cả khi "gian hàng Việt trực tuyến" được đánh giá là ý tưởng tốt thì nhiều DN vẫn băn khoăn. Đại diện công ty Trà Tiên Thảo bày tỏ lo lắng về vấn nạn hàng giả hàng nhái, khi mà chế tài quản lý chưa đủ sức ngăn chặn hành vi này. DN mong muốn có cơ quan đại diện Nhà nước quản lý chặt vấn đề hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT.
Trong khi đó, ông Đào Duy Tùng, đại diện một DN cà phê cho biết COVID-19 đã khiến cho DN phải thay đổi tư duy về việc đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến vì thấy rõ trong bối cảnh này "ai nhanh hơn mới là người thắng" chứ không phải "ai mạnh hơn".Do vậy đề xuất xây dựng "gian hàng Việt trên sàn TMĐT là tuyệt vời" nhưng điều DN băn khoăn là sản phẩm của mình có được các sàn TMĐT ưu tiên đưa lên trang đầu hay không?.
Ông Nguyễn Thuật, Phó Tổng Giám đốc công ty CP công nghệ Sendo, cho rằng sàn TMĐT rất muốn phân phối sản phẩm Việt nhưng để thu hút người dùng thì sản phẩm phải đạt chất lượng, giá thành cạnh tranh. Hiện, sàn TMĐT cũng đang gặp thế khó là một số DN sản xuất dường như vẫn cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống hơn là hợp tác tốt bằng việc cung cấp lượng lớn sản phẩm với giá thành hợp lý.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện ở trang ưu tiên được đề cập đầu tiên nhưng đại diện Sendo cho rằng giờ đã qua giai đoạn người dùng lướt vào trang đầu tiên xem hàng, thay vào đó họ tìm kiếm sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh hơn.
Đại diện Tiki cũng khuyến nghị DN sản xuất nên đầu tư về hình ảnh làm sao bắt mắt. Người mua hiện rất chú trọng vào hình ảnh, đồng thời tham gia các chương trình của Tiki như chương trình Tết Việt... để đẩy truy cập vào gian hàng của mình.
Theo bà Mai Anh, luôn có một nghịch lý khi kết hợp hai phía, về phía DN sản xuất thì luôn muốn sản phẩm có lượng truy cập nhiều nhất, ưu tiên nhất. Nhưng sàn TMĐT - họ là người kinh doanh, có tiêu chí là sản phẩm đạt chất lượng, thương hiệu, giá cả phù hợp.
Do vậy, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số (Bộ Công Thương), cho rằng kênh phân phối "Gian hàng Việt trực tuyến" không phải "cây đũa thần" cho tất cả DN nhưng sẽ tạo ra hiệu quả, hiệu suất trong việc phân phối hàng hóa.Thực tế hiện nay, sản phẩm nước ngoài đang chiếm đại đa số trên các sàn TMĐT. Sản phẩm của Việt Nam rất tốt, chất lượng cao tại sao không xuất hiện trên sàn TMĐT, đây là điểm bất cập cần phải khắc phục. Siêu thị hàng Việt Nam trên sàn TMĐT sẽ là "ngôi nhà chung" cho các sản phẩm Việt Nam.
"Trà Cao Bằng, Hà Giang có thể bán vào trong TP.HCM với chi phí rất thấp. Đây là câu chuyện TMĐT hỗ trợ cho DN Việt Nam phân phối rộng khắp trên toàn quốc. Chúng tôi mong muốn sẽ đưa nhiều mặt hàng nông sản vùng miền, các mặt hàng công nghiệp nhẹ phục vụ tiêu dùng lên sàn TMĐT", ông Hoàng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo