Hòa Bình: Thu nhập tiền tỷ từ trại bò trăm con ở thôn Voi
Gia Lai: Kêu gọi đầu tư hơn 180 dự án trong giai đoạn 2020-2021 / TPHCM: Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn "ngồi chơi, xơi nước" bởi dịch Covid-19
Bà Đặng Thị Vân, thôn Voi, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) thu lợi nhuận tiền tỷ từ mô hình trại bò trăm con.
Thoăn thoắt vận hành chiếc máy thái cỏ công suất lớn, bà Vân cho chúng tôi biết mỗi con bò ăn không dưới 20 kg cỏ, tính ra trang trại cần 2 tạ cỏ mỗi ngày. Thế nhưng, nhờ có 4 ha cỏ voi tự trồng, nguồn thức ăn chính cho đàn bò luôn được trang trại chủ động. Trại bò do bà Vân một tay quán xuyến, thuê 3 nhân công làm việc thường xuyên. Công việc của lao động ở trại mỗi ngày là cắt, thái cỏ cho bò ăn. Khu vực chuồng trại được xây dựng kiên cố với hệ thống xử lý chất thải phù hợp tiêu chuẩn, vệ sinh mỗi ngày 2 lần, tạo môi trường thoáng đãng, sạch sẽ để gia súc phát triển khỏe mạnh.
Tự hào về cơ ngơi hiện có, bà Vân chia sẻ: 5 ha đất đồi rừng này nếu ở thời điểm trước về giá trị chẳng đáng kể gì. Nhưng khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp hoàn toàn có thể gia tăng giá trị. Tôi đã quyết định tạo dựng trại bò quy mô lớn cùng vườn mít Thái 200 cây. Từ ý tưởng đầu tư chăn nuôi là chính, tôi sử dụng tới 80% diện tích để trồng cỏ phục vụ nuôi bò, bởi nguồn thức ăn gia súc ổn định là điều kiện tiên quyết để ổn định chăn nuôi. Tiếp đó là lựa chọn giống, con giống chọn nuôi là bò 3B (BBB) nhập nội từ Bỉ. Đây là giống bò thịt cao sản, còn được mệnh danh là "cỗ máy" sản xuất thịt.
Bò 3 B có tầm vóc lớn, đến khi cho lấy thịt có thể đạt trọng lượng 9 tạ/con. Bà Vân tìm người đi khắp các nơi trong tỉnh để nhập con giống về, nuôi theo hình thức vỗ béo. Theo bà, để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất rủi ro, bên cạnh sự hỗ trợ của KHKT, nông hộ phải có nhận thức chủ động trong khâu chăm sóc, phòng bệnh. Bản thân bà luôn duy trì mối liên hệ với mạng lưới chăn nuôi thú y địa phương để nhờ hướng dẫn, tư vấn, đồng thời tuân thủ định kỳ tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho gia súc với các mũi tiêm chính như lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
Bên cạnh đó, bà chú trọng khâu chăm sóc vỗ béo để đầu ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Cùng với nguồn thức ăn chính là cỏ voi, ngô sinh khối, bà sử dụng bã bia và mật mía được lấy từ cơ sở sản xuất có uy tín cho bò ăn thêm. Ngoài ra, không sử dụng bất cứ sản phẩm cám nuôi tăng trọng nào. Với việc áp dụng đồng thời các biện pháp kỹ thuật và tăng cường chăm sóc, đàn bò nuôi trong trang trại của bà Vân phát triển khỏe mạnh, không bệnh tật, quy mô đàn năm sau cao hơn năm trước. Sau chu kỳ 1 năm vỗ béo, trọng lượng mỗi con xuất chuồng đạt 6 - 7 tạ.
Kể từ năm 2017, khi xây dựng mô hình nuôi bò 3B vỗ béo đến nay, thị trường tiêu thụ ổn định là động lực để người chăn nuôi gia súc như bà Vân yên tâm, phát triển sản xuất. Thường bà gom giống vào đầu năm, giữa năm, xuất bán vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Nguồn cung từ trại bò thịt hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà Vân phấn khởi cho hay: Dịp Tết vừa qua, trại xuất một lứa bò khoảng 70 con cho 1 lò giết mổ ở Hà Nội vốn là điểm tiêu thụ chính. Giá cả chăn nuôi gia súc tăng cao hơn so với cùng kỳ. Cùng kỳ năm ngoái, giá bò xuất chuồng là 83.000 đồng/kg nhưng năm nay là 90.000 - 92.000 đồng/kg. Sau 1 năm nuôi theo phương thức vỗ béo, mỗi con bò cho lãi 15 - 20 triệu đồng. Từ mô hình đàn bò trăm con, sau khi trừ chi phí, bà Vân đạt mức lợi nhuận mỗi năm từ 1,5 - 2 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo