HTX ở Thái Nguyên góp phần xây dựng nông thôn mới
Ninh Thuận: Phát huy hơn nữa vai trò của cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới / OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới Thái Nguyên
Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Liên minh HTX Việt Nam và chính quyền địa phương, bản thân các HTX phải chủ động vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Từng bước khẳng định vai trò
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 509 HTX, quỹ tín dụng nhân dân (TDND) với trên 42.000 thành viên và người lao động, trong đó có 301 HTX nông nghiệp; 148 HTX công nghiệp - TTCN; 13 HTX thương mại, dịch vụ; 16 HTX xây dựng; 16 HTX vận tải; 12 HTX vệ sinh môi trường và 3 quỹ TDND. Doanh thu của các HTX đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển và đạt hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Nhiều đơn vị chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững tại các địa phương”.
Theo đánh giá của ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân. Thái Nguyên là một trong những tỉnh có phong trào xây dựng NTM đứng trong tốp đầu trong cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 101 xã đạt chuẩn NTM, chiếm hơn 70% số xã trên toàn tỉnh. Để đạt được kết quả như vậy, có vai trò rất lớn của các HTX, nhất là các HTX sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm vừa qua, Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt và xác định tiêu chí 13 là một trong những tiêu chí quan trọng. Bởi nội dung của tiêu chí số 13 nêu rõ, để đạt tiêu chí NTM, mỗi xã phải có ít nhất 1 HTX hoặc tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, số hộ nông dân tham gia là thành viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiếp tục nỗ lực vươn lên
Ngoài ra, theo quy định, một HTX hiệu quả phải thực hiện được các dịch vụ cơ bản: Thủy lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản; hoạt động ổn định, làm ăn có hiệu quả trong 3 năm liên tiếp; đồng thời phải thực hiện được chế độ kế toán thống kê, báo cáo tài chính… Do vậy, địa phương đã coi trọng và dành nguồn lực thích đáng trong việc phát triển HTX, đồng thời coi đó là chìa khóa để bảo đảm tiêu chí tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay đã có hơn 280 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, nâng cao thu nhập, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường, gia tăng giá trị của sản phẩm.
Cũng theo ông Trần Nho Hưởng, sự quan tâm đối với HTX trong phong trào xây dựng NTM tại tỉnh Thái Nguyên rất đặc biệt. Tuy nhiên, để các HTX, nhất là HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của các thành viên và cả chính quyền, ban ngành các cấp, bản thân các HTX cũng thực sự phải cần cù, sáng tạo, tích cực vươn lên và cần có sự hợp tác tích cực của người dân là thành viên HTX.
“Doanh thu, doanh số của các HTX ở Thái Nguyên còn khiêm tốn, các HTX còn manh mún, nhỏ lẻ. Thời gian tới, Thái Nguyên kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về HTX, nhất là đối với cấp ủy, chính quyền, bởi một số địa phương chưa nhận thức rõ về vai trò của kinh tế hợp tác (KTHT), HTX. Trong bối cảnh hiện nay, các HTX có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Do vậy, rất mong các cấp chỉnh quyền quan tâm hơn nữa để các HTX phát triển bền vững”, ông Hưởng mong muốn.
Về sự hỗ trợ của chính quyền địa phương với phát triển KTHT, HTX tại địa phương, ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết tỉnh đã có chính sách cụ thể để hỗ trợ các HTX, nhất là việc thành lập mới và thúc đẩy các HTX phát triển. Cụ thể, công tác kết nối cung cầu được quan tâm. Từ năm 2018 đến nay có gần 60 lượt HTX tham quan triển lãm nông nghiệp quốc tế tại Hà Nội, hàng trăm lượt HTX tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Thái Nguyên có một số sản phẩm chủ lực và đạt OCOP, trong đó có chè, rau, củ quả. Thái Nguyên có hơn 22.000 ha chè. Mục tiêu của tỉnh thời gian tới là nâng diện tích cây chè lên 24.000 ha, bởi dư địa phát triển cây chè còn cao. Giá trị chè đạt 130 - 150 triệu/ ha/năm, nhưng khi chế biến thì có thể lên 300, 500 triệu đồng/ha chè, thậm chí có những vùng chè đặc sản có thể giá trị lên đến cả tỷ đồng.
“Thời gian tới, chính quyền tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, địa phương tích cực vào cuộc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư và bao tiêu sản phẩm của các HTX. Bên cạnh đó, các HTX cần chủ động đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm được nhiều nhà tiêu thụ có uy tín để ký kết bao tiêu sản phẩm”, ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng và Chủ tịch Liên minh HTX Thái Nguyên Nguyễn Văn Dũng thăm gian hàng giới thiệu về sản phẩm chè