Không mong chờ DN đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg
DNVN - Giá thịt lợn thời gian qua luôn neo ở mức cao một cách bất hợp lý dù Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt việc giảm giá thịt lợn để đảm bảo an sinh xã hội và mục tiêu kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với giá lợn giống cao như hiện nay, không chờ mong các DN hay người chăn nuôi bán thịt lợn hơi ở mức giá 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Thịt lợn Nga ồ ạt về Việt Nam, ép giá hàng trong nước / Đề xuất đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hưởng ứng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 15 doanh nghiệp lớn, từ 1/4/2020 đã đồng loạt hạ giá bán lơn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng mong đợi là giá bán lẻ trên thị trường vẫn chưa giảm.
Theo khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong ngày 12/5 cho thấy, giá thịt lợn tại siêu thị Vinmart trên đường Xuân Diệu (Hà Nội): thịt ba rọi giá 209.000 đồng/kg, thịt thăn 206.000 đồng/kg; thịt lợn sạch, ba rọi 286.900 đồng/kg, sườn thăn 295.000 đồng/kg. Trong khi đó, ngày 13/5, tại các chợ dân sinh Hà Nội như: Nguyễn An Ninh, chợ phiên Nghĩa Đô, chợ tạm Hoàng Cầu, giá thịt nạc vai 165.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg.
"Nguyên nhân nào dẫn đến giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay? Về mặt lý thuyết, giá cả phụ thuộc cung - cầu. Cuộc khủng hoảng cung lớn hơn cầu đã từng xảy ra, khiến giá lợn hơi giảm thê thảm xuống còn 20.000 đồng/kg đã chứng minh điều đó. Nay, liệu có phải do cung nhỏ hơn cầu mà giá thịt lợn tăng cao?", Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đặt câu hỏi.
Giải thích về biến động giá thịt lợn hiện nay trên thị trường, tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bản chất của thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu, nguồn cung thiếu rất rõ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20-21% tổng thể đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường.
Người phát ngôn Bộ Công Thương chia sẻ, hy vọng cuối năm nay, tình hình về giá thịt lợn sẽ ổn định, như thời điểm năm 2018. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lượng Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép kể cả có hiện tượng việc xuất khẩu lợn ra nước ngoài.
Trong khi đó, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho rằng, do mặt hàng chăn nuôi biến động lớn, chưa bao giờ biến động như hiện nay nên Cục Chăn nuôi đã một vài lần đề nghị: Nếu được Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội có thể đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá thì mới có thể đáp ứng mong mỏi của người dân.
Trên cơ sở đàn nái cụ thể và tăng trưởng từ báo cáo của 63 tỉnh, thành, Cục Chăn nuôi dự kiến cuối quý III/2020 sang đầu quý IV/2020 giá thịt lợn mới có thể tương đối ổn định. Với giá lợn giống cao như hiện nay, không chờ mong các DN hay người chăn nuôi bán thịt lợn hơi ở mức giá 60.000 - 65.000 đồng/kg được vì giá giống chiếm gần 30.000 đồng, giá thức ăn gần 30.000 đồng nữa nên không thể nói trong quý II/2020 giá thịt lợn hơi giảm giá xuống 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Trên góc độ doanh nghiệp, tại Hội thảo “Thịt lợn – Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: "Ý kiến của Thủ tướng là tiếp tục kêu gọi DN giảm giá thịt lợn hơi xuống còn 60.000 đồng/kg, liệu CP có thực hiện được không?" ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, là một DN hoạt động trong lĩnh vực nông công nghiệp và thực phẩm, CP Việt Nam đã và đang đồng hành cùng Chính phủ và Nhà nước hỗ trợ giá thịt lợn hơi, đồng thời nỗ lực mở rộng các chuỗi và các gian hàng bình ổn giá, giảm khâu trung gian để cung ứng thịt lợn tới tay người tiêu dùng.
"Tuy nhiên, CP cũng là DN và trong chuỗi sản xuất và cung ứng thịt lợn này, có rất nhiều DN tham gia, nhiều người chăn nuôi tham gia. Việc chăn nuôi không có gì là trái luật cả. Trước đây, chăn nuôi nhỏ lẻ thì bản thân mỗi gia đình. Ngày xưa, nhà nào cũng nuôi 1, 2 con lợn một phần là kế sinh nhai, đem lại thu nhập để nuôi con cái đi học.
Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm của CP là việc Chính phủ kêu gọi DN đồng hành giảm giá, CP mong muốn có được sự công bằng nhất trên toàn hệ thống, tức là nhiều DN cùng tham gia cũng như các đơn vị tham gia trong chuỗi sản xuất đó phải có sự tương đồng. Nếu những đơn vị khác bán được giá tốt hơn thì sẽ tích tụ được lợi nhuận. Họ sẽ dùng lợi nhuận đó để mở chuồng trại, thuê chuồng, tăng tính cạnh tranh với các DN khác. Hiện tại, CP đang bị mất một số chuồng, trang trại vào tay một số đối tác hợp tác với CP. Đây là hệ quả mà chúng tôi đang bị ảnh hưởng", đại diện CP nói.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo