Kinh tế đêm: “Cửa sáng” cho du lịch TP.HCM hậu Covid-19
TP.HCM xây dựng kịch bản "gỡ khó" cho các doanh nghiệp du lịch / Văn phòng trống vắng mùa dịch, du lịch tính chuyện chia sẻ mặt bằng kinh doanh
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, ngành du lịch bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, từ 25/7, dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số tỉnh thành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch vừa mới hồi phục.
Theo Sở Du lịch, giai đoạn dịch bệnh vừa bùng phát, thống kê lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 1,4 triệu khách, đạt 15,3% kế hoạch năm 2020 và giảm 34% so với cùng kỳ (3 tháng 2019 là gần 2,3 triệu khách).
Đến tháng 4/2020, do thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong 3 tuần đầu tiên, ngành du lịch thành phố gần như “đóng băng”. Các doanh nghiệp du lịch đều đóng cửa tạm ngưng hoạt động, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà.
Mặc dù còn tồn tại những khó khăn, thử thách nhưng sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát (tháng 5 - 7/2020), cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, khoảng 35% - 40% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Ngành du lịch của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng bước vào giai đoạn phục hồi gắn với việc phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Dịch Covid bùng phát trở lại đã khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề, nhiều hàng quán dành cho khách du lịch luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài".
Tuy nhiên, từ ngày 25/7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành vừa mới phục hồi.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM đến thời điểm 17/8/2020, khoảng 90% - 95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng… Việc dịch bùng phát trở lại đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình du lịch của TP.HCM, hoạt động kinh tế cũng vì thế trở nên khó khăn.
Để kích cầu hoạt động ngành du lịch thành phố, mới đây ngày 7/9 UBND TP.HCM cũng đã ban hành văn bản khẩn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó cho phép hoạt động trở lại các loại hình quán bar, vũ trường, nhà hàng.
Có thể thấy, đây là động thái mới nhất trong việc tái khởi động ngày hội du lịch thành phố năm 2020, vốn bị trì hoãn do ảnh hưởng đợt 2 của dịch Covid-19. Trong đó, phát triển du lịch về đêm trong thời gian tới là một trong những vấn đề đang được Sở Du lịch thành phố và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, qua khảo sát của đơn vị tư vấn, hoạt động kinh tế về đêm đang là phân khúc thu hút cả du khách quốc tế lẫn khách du lịch nội địa, phân khúc này được đánh giá là có tiềm năng trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Sở Du lịch thành phố đã thiết lập đề án phát triển kinh tế về đêm với hai nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, hoàn thiện và nâng cao chất lượng về nhân sự, dịch vụ, cơ sở vật chất của các cơ sở giải trí về đêm; Đảm bảo công tác an toàn và an ninh cho các hoạt động giải trí này; Tập trung cho công tác truyền thông và quảng bá các dịch vụ giải trí về đêm đến các thị trường mục tiêu.
Thứ hai là tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ để tăng hoạt động kinh tế về đêm như tăng cường hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật và phát triển các khu ẩm thực, khu mua sắm.
Phố Tây Bùi Viện - một trong những điểm du lịch về đêm tại TP.HCM hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Về vấn đề nguy cơ thiếu hụt nhân lực ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, nguyên nhân chính là do các cơ sở lưu trú và các công ty lữ hành tạm ngưng hoạt động đang gia tăng, kéo theo lực lượng lao động trong ngành bị cho nghỉ việc cũng gia tăng.
Trên thực tế đó, Sở Du lịch đã đưa ra một số giải pháp chung. Trước mắt là triển khai gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong ngành du lịch thuộc gói hỗ trợ chung của thành phố, bên cạnh đó phối hợp với sở ngành để đưa ra gói hỗ trợ đợt 2 tới trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp.
Song song đó, phối hợp với doanh nghiệp để rà soát lại các sản phẩm du lịch, từ đó xây dựng thêm những sản phẩm du lịch nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Ngoài ra, tranh thủ mùa thấp điểm của du lịch để triển khai công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực của ngành. Cụ thể, hiện tại Sở đang triển khai lớp đào tạo tiếng Hàn miễn phí cho hướng dẫn viên để giải quyết tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Hàn trên địa bàn thành phố.
Nói về việc phát triển hoạt động du lịch về đêm, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết đây là “mỏ vàng” cần được khai thác. Nếu hiệu quả sẽ góp phần “giữ chân” du khách lưu trú lâu hơn, tạo thuận lợi để du khách chi tiêu, trải nghiệm nhiều hơn tại mỗi điểm đến.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, với mỗi điểm đến doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch vào ban ngày chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi 70% còn nằm ở khung giờ đêm. Do đó các hoạt động trải nghiệm, sự kiện phù hợp cần được đẩy mạnh khai thác trong khung giờ đêm để hấp dẫn du khách. Có thể nói, các hoạt động du lịch diễn ra vào khung giờ đêm được xem là “mỏ vàng” cần được khai thác.
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, trong bối cảnh du lịch TP.HCM hậu Covid-19, việc gia tăng những sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến thành phố ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách khi đến TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ về đêm đang được xem là giải pháp quan trọng và cấp thiết để TP.HCM tự thân có sự cuốn hút du khách. Đó cũng là cơ sở để TP.HCM tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn về du lịch triển khai, hình thành các sản phẩm du lịch đêm chất lượng, nhằm khai thác nguồn lợi khổng lồ từ thị trường này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?