Thị trường

Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án sân bay Lộc Phát tại Bảo Lộc

DNVN – Một doanh nghiệp vừa có văn bản đề xuất được nghiên cứu quy hoạch và đầu tư Dự án Sân bay Lộc Phát (sân bay quân sự trước giải phóng đóng tại phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) với quy mô khoảng 100ha, để hình thành sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820m x 30m.

Lâm Đồng: 20 nhà đầu tư mong muốn thực hiện dự án tại TP. Bảo Lộc / TP. Bảo Lộc “dọn sẵn” hàng loạt dự án chào đón nhà đầu tư

Nguồn tin riêng từ UBND TP.Bảo Lộc cho hay, một doanh nghiệp đại chúng lớn, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư – phát triển bất động sản ở phía Bắc, vừa có văn bản gửi Thành uỷ, UBND TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) về việc đề xuất nghiên cứu cơ hội đầu tư Dự án Sân bay Lộc Phát và Dự án Khu đô thị, dịch vụ, giải trí Hồ Nam Phương 2.
Vị trí Dự án Sân bay Lộc Phát và Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí Hồ Nam Phương 2 doanh nghiệp đề xuất đầu tư tại TP. Bảo Lộc.

Vị trí Dự án Sân bay Lộc Phát và Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí Hồ Nam Phương 2, doanh nghiệp đề xuất đầu tư tại TP. Bảo Lộc.

Theo đề xuất của doanh nghiệp này, sau khi nghiên cứu các cơ hội đầu tư trên địa bàn TP. Bảo Lộc, nhận thấy việc phát triển các khu đô thị, giải trí và dịch vụ du lịch trên địa bàn sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và du lịch, qua đó kết nối giữa trung tâm du lịch Đà Lạt với các không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đồng bộ, tiên tiến phục vụ nhu cầu người dân và du khách, tạo điểm thu hút đầu tư, thu hút du lịch khác biệt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Các dự án đề xuất nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa TP. Bảo Lộc trở thành đô thị loại II trước năm 2025, có hạ tầng đồng bộ; là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, trung tâm Tiểu vùng III, đáp ứng các yêu cầu theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp này đề xuất được nghiên cứu quy hoạch và đầu tư Dự án Sân bay Lộc Phát với quy mô diện tích khoảng 100ha, tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc), mục tiêu là hình thành sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820m x 30m.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí Hồ Nam Phương 2, quy mô diện tích khoảng 84ha, tại Phường 1 và Phường Lộc Phát (khu vực dự án nằm trong Khu đô thị mới Hà Giang), với mục tiêu đầu tư xây dựng Khu đô thị và dịch vụ vui chơi giải trí gắn với cảnh quan Hồ Nam Phương 2.
“Doanh nghiệp cam kết tập trung mọi nguồn lực để phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng và TP. Bảo Lộc để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành, đáp ứng được các yêu cầu của địa phương đề ra”, văn bản đề xuất của doanh nghiệp nêu rõ.
Trước đó, trong nửa cuối năm 2019, doanh nghiệp này cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và TP. Bảo Lộc đề xuất nghiên cứu quy hoạch và thực hiện đầu tư một số dự án trên địa bàn TP. Bảo Lộc.
Tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây Dựng chủ trì phối hợp cùng UBND TP. Bảo Lộc tham mưu, đề xuất giải quyết các kiến nghị của Công ty. Sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hoan nghênh những nội dung đề xuất nghiên cứu quy hoạch và đầu tư của doanh nghiệp.
Được biết, theo Quyết định 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, TP. Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng.
Là trung tâm dịch vụ - thương mại hỗn hợp; Trung tâm văn hóa thể thao cấp quốc gia; Trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao; Trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia; Trung tâm y tế và giáo dục - đào tạo cấp vùng; Trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc gia; Trung tâm công nghiệp phụ trợ; Chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng; Chế biến dược liệu; Công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ khai khoáng.
Bảo Lộc là thành phố còn nhiều dư địa để phát triển.

Bảo Lộc là thành phố còn nhiều dư địa để phát triển.

Với “Kim chỉ nam” này, Bảo Lộc đã xác định và đưa vào Nghị quyết một số dự án lớn, mang tính động lực để phát triển địa phương. Trong đó, việc dự kiến khôi phục lại Sân bay Lộc Phát với diện tích 100 ha vẫn còn nguyên trạng, để hình thành sân bay cấp 3C, sẽ tạo cơ hội để “Thủ phủ của Trà và Tơ lụa” kết nối giao thương kinh tế, phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Bảo Lộc cũng đang tập trung thu hút đầu tư Tổ hợp dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với diện tích hơn 10.000 m2 ngay tại trung tâm thành phố; Sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng với diện tích 200 ha hình thành theo tiêu chuẩn quốc tế và Khu tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái, sân golf, cáp treo núi Sa Pung.
Cuối năm 2019, một tập đoàn địa ốc có tiếng tại TP. HCM cũng đã đề xuất lập, thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi Sapung (TP. Bảo Lộc), với quy mô khoảng 432,3ha; tiến độ thực hiện là từ năm 2020 – 2025; với mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, khách sạn, để tạo động lực phát triển hạ tầng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP. Bảo Lộc.
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm