Thị trường

Làm giàu từ nghề trồng hoa

Hoa kiểng được xem là "món ăn" tinh thần mỗi khi Tết đến Xuân về. Nắm bắt được thị hiếu này, ông Phạm Văn Lơ, ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng hoa kiểng trên 10 năm qua. Với cách làm trên, trung bình mỗi vụ Tết, ông Lơ có thu nhập trên 150 triệu đồng.

Lavifood thu mua và chế biến thanh long hỗ trợ nông dân Long An giữa dịch do virus Corona / Thị trường nội địa cho nông sản sau đợt giải cứu

Với mô hình trồng hoa kiểng, ông Lơ thu lời trên 70 triệu đồng sau 1 vụ hoa Tết.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lơ cho biết: “Năm nay, tôi trồng 3.000 chậu hoa vạn thọ, dừa cạn, cúc các loại... để cung ứng ra thị trường. Hiện tại, các thương lái đến tận vườn thu mua được trên 1.500 chậu. Trung bình mỗi chậu có giá từ 25.000 đồng- 70.000 đồng”.

Trước đây, gia đình ông Lơ chủ yếu trồng hoa vạn thọ phục vụ Tết và những ngày rằm lớn trong năm. Những năm gần đây, ông Lơ đầu tư trồng trên 10 giống hoa mới: vạn thọ, dừa cạn, cúc các loại… Theo ông Lơ, đối với người trồng hoa kiểng thì kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Trong các loài hoa, thì hoa vạn thọ ít vốn, nhẹ công chăm sóc, nhưng lợi nhuận khá cao.

Về kỹ thuật trồng và chăm sóc để vạn thọ nở hoa đúng vào dịp Tết, ông Lơ cho biết: “Thường vào ngày 22-10 âm lịch, tôi ươm hạt trực tiếp vào chậu. Sau khi trồng 30 ngày phải ngắt cơi đọt đầu tiên để cây vạn thọ đâm chèo. Cây được 40 ngày, ngoài việc bổ sung thêm phân rơm và tro trấu đã trộn sẵn phủ đầy trên mặt chậu, người trồng tiếp tục ngắt cơi đọt lần 2 để cây vươn nụ lớn và giai đoạn này có thể bán ra thị trường”. Theo ông Lơ, phân rơm, cám dừa là nguyên liệu chủ yếu để trồng hoa vạn thọ. Cây vạn thọ thường dễ bị sâu vẽ bùa và bệnh thối rễ vì thế cách 7 ngày phải xịt ngừa sâu, bệnh một lần.

Với những cách làm trên, vườn hoa của ông Lơ luôn trổ hoa đúng Tết và hạn chế được sâu bệnh tấn công. Để có được thành công, ngoài sự hiểu biết của bản thân, ông Lơ thường xuyên tham quan các vườn hoa ở các tỉnh lân cận để trao đổi và đúc kết kinh nghiệm; đồng thời tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa kiểng...

Ông Chiêm Thanh Vương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, cho biết: "Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, ông Lơ đã thành công với mô hình trồng và kinh doanh hoa kiểng. Bên cạnh đó, ông Lơ luôn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho các hội viên và bà con ở ấp. Để giúp hội viên phát triển mô hình trồng hoa kiểng, thời gian qua, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa kiểng cho hội viên. Sắp tới, HND xã sẽ nhân rộng mô hình trồng hoa kiểng nhằm giúp viên có thêm thu nhập vào những ngày lễ, Tết".

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm