Làn sóng cạnh tranh mới trên thị trường thương mại điện tử
Việt Nam-AFTA: Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trong ASEAN / Nhức nhối vấn nạn bán hàng dởm trên không gian thương mại điện tử
Thị trường thương mại điện tử đang nóng lên khi các doanh nghiệp lớn ra mắt nhiều dịch vụ mới. |
“Tân binh” ồ ạt gia nhập thị trường
Từ đầu năm 2020, thị trường thương mại điện tử đã chứng kiến sự gia nhập rầm rộ của hàng loạt doanh nghiệp mới. “Tay to” đầu tiên là Tập đoàn Nagakawa gia nhập “cuộc chơi 4.0” bằng việc bắt tay với những sàn thương mại điện tử lớn, trình làng website bán hàng trực tuyến shop.nagakawa.com.vn. Tham vọng của tân binh này sẽ “tiên phong phát triển thương mại điện tử trong ngành điện lạnh và gia dụng”. Đây rất có thể sẽ là đối thủ đáng gờm của Điện Máy Xanh, MediaMart…
Hồi tháng 4/2020, thời trang Elise cũng đã ra mắt trang thương mại điện tử www.elise.vn, với hơn 1.500 mặt hàng thời trang đa dạng từ quần áo, túi xách, giày đến phụ kiện thời trang. Ông Greg Fleming, Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Elise hy vọng việc tập trung vào phát triển bán hàng đa kênh sẽ nâng tỷ lệ doanh thu bán hàng trực tuyến của Hãng từ khoảng 1% hiện nay lên 10% trong thời gian tới.
Tương tự, Công ty cổ phần Thương mại điện tử và Truyền thông quảng cáo Pacific cũng đã ra mắt ứng dụng cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho tín đồ hàng hiệu. Đặc biệt, sàn này sử dụng công nghệ máy móc để giám định hàng thật - giả.
Một sàn thương mại điện tử gia nhập thị trường với “độc chiêu” là Chozoi.vn của Công ty cổ phần MCG, ra mắt vào tháng 5/2020. MCG Corp. tham vọng biến Chozoi.vn thành một trang thương mại điện tử với quy mô, số lượng, chủng loại hàng “khủng”, đa dạng. Đây là sàn thương mại điện tử áp dụng hình thức đấu giá mua đồ đầu tiên và MCG Corp hướng tới định vị Chozoi.vn sẽ là sàn thương mại điện tử với chức năng đấu giá số một tại Việt Nam
Cũng mang tính chuyên biệt, sàn thương mại điện tử đầu tiên về Đông y (Sandongy.com.vn) cũng vừa ra đời vào cuối tháng 8/2020, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ ngành Đông y tại Việt Nam.
“Cựu binh” tăng cường chiếm lĩnh sân chơi
Nếu như sự xuất hiện của các tân binh gia nhập thị trường ở các phân khúc ngách, hoặc mở rộng hệ sinh thái như những làn gió mới khiến thị trường trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, thì sự tham gia của một số ông lớn giàu tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại lại là mối đe dọa tiềm tàng với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee…
Điển hình như Grab, từ tháng 3/2020, triển khai GrabMart tại TP.HCM, Hà Nội và mới đây là Đà Nẵng. GrabMart đã trở thành dịch vụ quen thuộc, được đông đảo người dùng, đối tác tài xế, đối tác kinh doanh đón nhận với tốc độ tăng trưởng theo tuần ổn định ở mức 2 con số. Lượng đơn hàng bình quân hằng ngày và số lượng đối tác kinh doanh trên nền tảng tăng gấp 10 lần, tính tại thời điểm cuối tháng 7/2020 so với cuối tháng 4/2020. Hiện GrabMart đang tích cực mở rộng mạng lưới đối tác và mang dịch vụ đến nhiều tỉnh, thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng.
“Chúng tôi xác định xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm trực tuyến và xu hướng chuyển đổi từ offline sang online sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Người dùng sẽ ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ đến nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi siêu thị hộ của người dùng”, đại diện Grab cho biết.
Grab đang đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam để triển khai các dịch vụ mới và mở rộng mạng lưới dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics. Các ông lớn trong ngành thương mại điện tử cũng đánh giá Grab sẽ là đối thủ lớn nhất của họ trong tương lai gần.
Ngoài Grab, một siêu app khác là MoMo cũng khai trương dịch vụ "Đi chợ online", kết hợp với các nhà cung cấp như Co.op Smile, Cheers để bán hàng. Mới đây, MoMo vừa công bố đạt mốc 20 triệu người dùng, hướng tới 50 triệu người dùng và sẽ ra mắt siêu ứng dụng. Chắc chắn trong siêu ứng dụng mở của mình, MoMo sẽ dành một không gian không nhỏ cho mảng thương mại điện tử.
Mới đây nhất, trên cửa hàng ứng dụng Appstore, CH Play xuất hiện ứng dụng VinShop và website VinShop.vn. Rất có thể, ông lớn Vingroup sẽ quay trở lại ngành thương mại điện tử với ứng dụng VinShop kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa.
Những chuyển động trên cho thấy, thương mại điện tử tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch Tiki, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trong đó phần đông là giới trẻ, ưa chuộng tiêu dùng trực tuyến. Sự sôi động và cạnh tranh giữa các tay chơi trong nước không kém cạnh so với các tên tuổi lớn từ nước ngoài.
“Ước tính, khi thị trường gia tăng quy mô lên đến 25 tỷ USD vào năm 2025, các nền tảng sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thị trường này theo hướng ngày càng chuyên sâu, thay vì mở rộng độ phủ sóng. Sẽ có những sàn thương mại điện tử tập trung vào từng ngành hàng, ví dụ thời trang, để khai thác từng nhóm khách hàng cụ thể hơn, thúc đẩy thị trường phát triển”, ông Sơn dự báo.
Ông Phạm Văn Huân, đồng sáng lập Lameco đánh giá, tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn, khi có nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển đổi hoặc mở rộng kênh bán hàng lên các sàn thương mại điện tử, nhiều thương hiệu đã lên sàn rồi, nhưng chưa biết cách tận dụng lợi thế của mình, trong khi số lượng người tiêu dùng trên sàn đang tăng chóng mặt.
Doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đạt 44,8 triệu người, tăng so với mức 39,9 triệu người của năm 2018. Giá trị mua sắm cũng tăng lên 225 USD/người so với mức 160 USD/người hồi năm 2015. Việt Nam có mức tăng trưởng thương mại điện tử đứng ở top 3 của Đông Nam Á. Nguồn: Sách trắng Thương mại điện tử 2020 |
End of content
Không có tin nào tiếp theo