Lực kéo FDI 'khủng' vào Việt Nam thời hậu Covid-19
Các doanh nghiệp FDI mong muốn tiếp tục được Việt Nam ưu đãi / Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh, bền vững
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm tới gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định sự suy giảm này chỉ mang tính "thời điểm" do tác động của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp FDI đánh giá cao Chính phủ
Thực tế, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Khảo sát của AHK World Business Outlook 2020 được thực hiện mới đây nhằm đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức và những tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trên toàn cầu và tại Việt Nam cho thấy 14% doanh nghiệp Đức dự tính kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2020 sẽ kém hơn năm ngoái. 59% doanh nghiệp nhận định tình hình khả quan hơn nhưng cũng chỉ đủ đạt mức chuẩn của năm 2019. Chỉ có 27% doanh nghiệp Đức lạc quan với sự phát triển kinh doanh của năm 2020 so với năm 2019 (chỉ số này đạt mức 77% vào năm 2019).
Tuy vậy, so sánh với các chỉ số trung bình được đánh giá bởi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức tại Đông Nam Á, các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn và cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp Đức vào tình hình phát triển của chính doanh nghiệp mình tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Đức cũng kỳ vọng việc Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các gói cứu trợ để giải cứu doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng về dịch bệnh sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng được phục hồi và tăng trưởng.
Ngày 8/4, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý I/2020, tương đương mức giảm 51 điểm từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019.Hơn 90% các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nói rằng Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của họ, với hơn một nửa báo cáo tác động tiêu cực là "đáng kể".
Tuy vậy, các thành viên EuroCham cũng hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là biện pháp phổ biến nhất, theo sau đó là việc tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Khoảng 3/4 doanh nghiệp cho biết việc gia hạn nộp các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty.
Đáng chú ý, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết dữ liệu này cho thấy dịch Covid-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây là một đại dịch toàn cầu và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải hứng chịu những tác động của cuộc khủng hoảng này. Nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ, chắc chắn tình hình sẽ trở nên tồi tệ. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hết sức hoan nghênh các biện pháp được đưa ra, những biện pháp đó sẽ giúp cung cấp một huyết mạch cho các công ty và công nhân của họ vượt qua thời gian khó khăn này.
Trông đợi những khoản đầu tư lớn
Dưới tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm tăng trưởng, gián đoạn nguồn cung ứng nguyên phụ liệu... Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đều tin tưởng và đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, cũng như những giải pháp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, việc kích hoạt các gói hỗ trợ giải cứu cộng đồng doanh nghiệp FDI vượt qua đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ là lực kéo dòng vốn ngoại vào Việt Nam sau khi đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 sẽ khiến làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ càng đẩy nhanh hơn một khi dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát.Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp có hiệu lực sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn từ khối này khi mà lâu nay vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam còn khiêm tốn.
Bà Shirakawa Satoko, phụ trách khối doanh nghiệp Nhật Bản và các quốc gia sử dụng tiếng Anh của Công ty Kizuna cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dẫn đầu gia tăng FDI Nhật Bản vào Việt Nam. Ngoài việc muốn giảm chi phí sản xuất, trong đó có chi phí nhân công khi dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản còn không muốn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để hạn chế rủi ro, điều này sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam nhanh chóng hơn.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp khối Nhật Bản và các quốc gia nói tiếng Anh vẫn tiếp tục gia tăng tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và các khu nhà xưởng xây mới của Kizuna nói riêng bằng hình thức trực tuyến.
Theo các chuyên gia, thời điểm này là lúc Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách để có thể giữ chân, giúp các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn. Một khi các nhà đầu tư FDI cảm thấy những chỉ dấu hỗ trợ chân thành từ Chính phủ Việt Nam để đối phó với khủng hoảng hiện tại, họ chắc chắn sẽ quay lại với những khoản đầu tư lớn hơn khi tình hình trở lại bình thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Doanh nghiệp FDI trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (Ảnh: Tư liệu)