Thị trường

Các doanh nghiệp FDI mong muốn tiếp tục được Việt Nam ưu đãi

DNVN - "Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam đã ban hành các biện pháp khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm các công ty Nhật Bản, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng khung pháp lý phù hợp để có thể vận hành một cách ổn định, bao gồm các biện pháp ưu đãi"...

Ngành nông nghiệp TP.HCM phát đấu tăng trưởng GRDP 6% trong năm 2020 / Lý do chính khiến tiến độ cổ phần hóa DNNN chậm chạp

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 diễn ra hôm 10/01/2020 tại Hà Nội, với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”, các hiệp hội doanh nghiệp và phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra một loạt kiến nghị xoay quanh vấn đề về cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, tính ổn định của chính sách, cũng như đề cập đến các cơ hội hợp tác, đầu tư mà Việt Nam và các đối tác có thể tận dụng.
Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các thành viên của AmCham đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Bước sang thập kỷ mới, AmCham tiếp tục cam kết phối hợp và hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm góp phần củng cố khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững, và thúc đẩy sự thịnh vượng.
Các thành viên Amcham cùng nhau đại diện cho hàng tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng hàng ngàn lao động trực tiếp, hàng trăm lao động gián tiếp, và đóng góp một tỷ lệ doanh thu thuế và xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam.
Đưa ra kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, bà Amanda Rasmussen cho rằng, xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao, bao gồm và thông qua các doanh nghiệp thành viên AmCham. Các nội dung cụ thể như chính sách thuế ổn định và công bằng, hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch...

Chủ tịch AmCham Amanda Rasmussen (Ảnh: Báo Đầu tư).
"Chúng tôi cam kết hợp tác với cơ quan nhà nước Việt Nam để phát triển môi trường pháp lý, hạ tầng cơ sở vật chất, và nhân tài để xây dựng sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế bền vững, và bảo đảm rằng Việt Nam là nước dẫn đầu trong kinh tế kỹ thuật số và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Như phần lớn các nhà đầu tư tại đây, các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến sự thành công liên tiếp của Việt Nam. Chúng tôi đang đầu tư vào tương lai. Chúng tôi được đầu tư vào tương lai", bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.
Liên quan đến đăng ký hợp đồng vay vốn nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm về vấn đề đăng ký hợp đồng vay vốn nước ngoài và kiến nghị thực hiện một số biện pháp và/hoặc hành động và sử dụng tiếng nói của mình để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, dựa trên thực tiễn các Doanh nghiệp hoặc/và các chi nhánh tại Việt Nam có trụ sở tại Hàn Quốc có quyền vay các khoản vay từ Công ty mẹ của họ. Họ băn khoăn liệu chính sách này cũng nên được áp dụng cho cá nhân nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay không?
Thừa nhận về những khó khăn và thách thức mà các nhà đầu tư tư nhân nói chung gặp phải khi đăng ký hợp đồng vay. Kocham đề nghị thay đổi chính sách nhằm thúc đẩy và kích thích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
Theo ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI): Hiện nay, tình trạng thiếu hụt điện, đường xá, sân bay và bệnh viện cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam. Mặc dù những vấn đề này có thể là một nhân tố tiếp tục khiến các nhà đầu tư nước ngoài trở nên e ngại trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, JCCI tin rằng việc thực hiện tích cực các cơ chế PPP sẽ hữu ích trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để giải quyết các vấn đề này. Hơn nữa, như được nêu trong Nghị quyết 50-NQ/TW (2019), việc thực hiện PPP còn khuyến khích các dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài vào Việt Nam.
"Tuy nhiên, đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản, để tham gia vào dự án PPP ở Việt Nam, điều quan trọng là phải làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư, và các tổ chức tài chính sao cho không để xảy ra những rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính. Trừ phi điểm này được làm sáng tỏ, ngay cả khi luật PPP được ban hành tại Việt Nam, sẽ khó để các công ty nước ngoài tham gia vào các dự án PPP", Chủ tịch JCCI nói.
Chủ tịch JCCI bày tỏ tin rằng Chính phủ Việt Nam đã ban hành các biện pháp khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm các công ty Nhật Bản, JCCI kính đề nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng khung pháp lý phù hợp mà có thể vận hành một cách ổn định, bao gồm các biện pháp ưu đãi.
Tiếp nối một luận điểm đã trình bày trong những hội nghị trước đây, Hiệp hội Doanh Nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) mong tiếp tục nhắc đến các công ty dược phẩm của Anh Quốc, vốn là những đơn vị hiện đang hoạt động dưới hình thái văn phòng đại diện tại Việt Nam nay có nhu cầu thành lập Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE). Trong quá trình này, họ gặp một số khó khăn trong quá trình thiết lập và vận hành bộ máy của doanh nghiệp trong tương lai, cụ thể là việc triển khai các hoạt động quảng bá tiếp thị.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Ảnh: Báo Đầu tư)
Do đó, BBGV khuyến nghị Việt Nam quy định thời gian chuyển đổi khả thi cùng với các hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng để chuyển đổi sang sang doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và, để hoạt động khả thi trong tương lai, hợp pháp hóa quyền của FIE để tự xây dựng và bảo vệ thương hiệu hoặc bằng cách hỗ trợ phí các nhà phân phối để thực hiện các hoạt động tiếp thị.
Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ghi nhận và đánh giá cao các sáng kiến tích cực của Chính phủ nước ta nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh, cũng như lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng tôi ủng hộ Chính phủ nói chung, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ ngành khác nói riêng trong nỗ lực tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh. Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc chặt chẽ với Chính phủ và các Bộ ngành để nâng cao vị thế của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh, hiệu quả, và bền vững nhất cho doanh nghiệp Châu Âu tại Đông Nam Á", đại diện EuroCham phát biểu.
Với việc Chính phủ Việt Nam ủng hộ tích cực trong việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (“EVFTA” và “EVIPA”) vào ngày 30 tháng 6 năm 2019, EuroCham đã có những nỗ lực tích cực để đẩy nhanh tiến độ phê chuẩn EVFTA, đặc biệt đối với phía Nghị viện Châu Âu, và cam kết tiếp tục làm việc chặt chẽ với các Bộ, ngành Việt Nam để phát triển lộ trình thực hiện hiệp định này.
"Chúng tôi tin rằng EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường, tăng cường thương mại và hỗ trợ Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa cho doanh nghiệp Châu Âu tại Đông Nam Á. Về lâu dài, hiệp định này sẽ góp phần tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, từ đó hỗ trợ Việt Nam thích nghi với tốc độ tăng trưởng nhanh và giúp các nguồn đầu tư vào Việt Nam bền vững hơn", đại diện EuroCham chia sẻ.
Nói về đặc thù của các cơ sở giáo dục hoạt động tại Việt Nam, Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham) cho biết, các cơ sở giáo dục của Úc rất chú trọng đến việc học tập trọn đời và các kỹ năng mềm, các kỹ năng kỹ thuật nghiệp vụ và các kỹ năng giao tiếp & ứng xử cho mọi học viên. Ngoài ra, các cơ sở này có thể giúp cải thiện tiêu chuẩn giáo dục tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, chất lượng, giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật nghiệp vụ và phát triển các kỹ năng. Do đó, môi trường hoạt động cần được tối ưu hóa, khuyến khích các cơ sở giáo dục có chất lượng từ khắp nơi trên toàn cầu đến đầu tư vào Việt Nam và/hoặc hợp tác với các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Ngoài ra, AusCham cho biết, các khó khăn mà các thành viên của họ phải đối mặt khi tiến hành chứng minh không nợ đọng thuế khi muốn ngừng kinh doanh tại Việt Nam. Quy trình này khó khăn, mất nhiều thời gian và tốn kém ở mức không cần thiết, và thường buộc các thành viên của AusCham xem xét đến việc bắt đầu tiến hành tố tụng phá sản chính thức khi thanh lý là một bước phù hợp.
Đáng kể nhất là thủ tục chứng minh không nợ đọng thuế chẳng khác gì một cuộc xem xét thuế tổng thể, quay ngược lại nhiều năm, điều đó có nghĩa là các công ty không thể dựa vào các cuộc kiểm toán, hồ sơ và các giao dịch thuế trước đây với các cơ quan thuế. Điều quan trọng mang lại niềm tin vào hệ thống thuế có hệ thống là các công ty có thể dựa vào hồ sơ và các giao dịch thuế trước đây hơn là hoàn toàn mở lại toàn bộ lịch sử thuế của họ.
Là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam có chung mong muốn được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm