Net Zero và cơ hội đầu tư mới mang tên “mua bán quyền phát thải – tín chỉ carbon”
DNVN - Việc thực hiện tối đa cam kết của các quốc gia, trong đó có Việt Nam về Net Zero sẽ là bước tiến mới trong nỗ lực ngăn chặn phát thải và gia tăng nhiệt độ ấm lên toàn cầu. Và hơn hết những nỗ lực này mở ra một lĩnh vực tài chính, ngành nghề đầu tư, cơ hội mới tại Việt Nam mang tên “mua bán quyền phát thải – tín chỉ carbon”.
FED dừng tăng lãi suất: Yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất Việt Nam / Giải pháp nào để báo chí và doanh nghiệp “cùng thắng” trong môi trường truyền thông số?
Chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero
Phát thải ròng bằng 0 hay Net Zero là cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết mục tiêu Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Nghị định này được ban hành ngày 7/1/2022 quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế.
Tại Lễ phát động chiến dịch "Race To Net Zero" và diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon” ngày 16/6 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Việt Biên Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu (CEPVN) cho biết, Nghị định 06 là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon.
Ông Phạm Việt Biên Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu (CEPVN) cho biết, hiệncác doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện mua - bán và trao đổi tín chỉ carbon.
Theo nghị định này, đến năm 2027, Việt Nam sẽ vận hành sàn tín chỉ carbon, từ năm 2025 sẽ thí điểm tại một số đơn vị và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức.
Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện mua - bán và trao đổi tín chỉ carbon. Liên quan đến xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ, các thị trường này sẽ đánh thuế nên họ quan tâm đến bù trừ tín chỉ carbon.
Ông Vũ Minh Lý - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường nhấn mạnh, thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường. Tham gia thị trường carbon vừa là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Khi tham gia thị trường các bên liên quan đều hài hòa được lợi ích bởi thị trường tuân theo quy tắc “thuận mua – vừa bán”.
Nhà nước sẽ thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ các hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Trong khi đó, bên bán carbon cũng sẽ hưởng lợi do là những đơn vị thực hiện tốt các giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép.
Ông Vũ Minh Lý - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.
"Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới sẽ áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng phát triển thị trường carbon. Dù vậy đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu và áp dụng ngay các giải pháp xanh, giảm phát thải và thực hiện các biện pháp để tạo ra và tích lũy “tín chỉ carbon” trong thời gian tới", ông Lý nhìn nhận.
Trên thực tế, thị trường carbon đã hoạt động và nhiều công ty đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc sử dụng tín dụng carbon để cân bằng lượng khí thải carbon của mình. Đó là một cách để củng cố danh tiếng của doanh nghiệp với tư cách là một tổ chức quan tâm đến trách nhiệm xã hội - một doanh nghiệp gần đạt được “mức phát thải khí nhà kính bằng không hay trung hòa carbon”.
Cơ hội đầu tư
Theo giới chuyên gia, các chính phủ trên toàn thế giới kết luận rằng, các cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon dựa trên thị trường cần phải lên kế hoạch cẩn thận và đây là cách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải. Việc thực hiện tối đa cam kết của các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ là bước tiến mới trong nỗ lực ngăn chặn phát thải và gia tăng nhiệt độ ấm lên toàn cầu. Và hơn hết những nỗ lực này mở ra một lĩnh vực tài chính, ngành nghề đầu tư, cơ hội mới tại Việt Nam mang tên “mua bán quyền phát thải – tín chỉ carbon”.
Ông Phạm Việt Biên Cương cho rằng, có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường carbon bởi đây là vấn đề cần thực hiện khi Việt Nam khi hội nhập sâu rộng, đón đầu các xu thế. Đây là kênh đầu tư tương đối an toàn, liên quan đến vấn đề minh bạch pháp lý và lợi nhuận.
Cơ hội đầu tư có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh như Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra cam kết về mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Thị trường carbon đã được quy định tại luật, nghị định và các văn bản khác của Việt Nam. Thị trường này cũng đã được hình thành tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Thêm vào đó là thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa khi tránh thuế carbon từ Mỹ, EU... Giá thị trường đang ở mức thấp và xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới tại Việt Nam và một số nước. Các bên tham gia thị trường carbon gồm Nhà nước, bên mua, bên bán đều được hưởng lợi.
"Với nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thương mại tín chỉ carbon, xu hướng phát triển thị trường carbon cùng với mạng lưới các DN lớn để giới thiệu, tìm đầu ra cho tín chỉ carbon, CEPVN sẽ là đối tác chiến lược đầu tư, thương mại tín chỉ carbon. Trung tâm sẽ đồng hành cùng DN trong các giao dịch mua bán cũng như thành lập các dự án tạo ra tín chỉ carbon", ông Cương nói.
Xây dựng chiến lược Net Zero với doanh nghiệp
Nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng chiến lược Net Zero đối với doanh nghiệp (DN), bà Phạm Minh Hương - Phó Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững – Deloitte Việt Nam cho biết, với cam kết Net Zero vào năm 2050, DN phải đưa ra lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. DN cần quan tâm đến vấn đề giảm phát thải bởi xu hướng thị trường toàn cầu tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một tương lai ít carbon, tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong việc thương mại hóa các giải pháp giảm phát thải carbon.
Việc xây dựng chiến lược Net Zero mang lại nhiều lợi ích kinh tế, lợi thế kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, cơ hội thị trường, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, có trách nhiệm với môi trường.
Bà Phạm Minh Hương - Phó Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững – Deloitte Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược Net Zero tại doanh nghiệp.
Tuy vậy, việc xây dựng chiến lược Net Zero cũng có nhiều thách thức với DN. Trong đó, có thể kể đến những hạn chế về công nghệ, tính sẵn có và chất lượng của dữ liêu, cân nhắc về mặt tài chính, bối cảnh chính sách và quy định. Cùng với đó là khả năng mở rộng quy mô, hoạt động giám sát - báo cáo, thẩm định, rủi ro chuyển đổi và động lực của thị trường.
"Trong lộ trình phát triển Net Zero, DN cần cân nhắc, đặt ra các câu hỏi như: đơn vị nào là chủ sở hữu phù hợp của các dự án này? DN cần nguồn lực nào và kỹ năng chuyên môn như thế nào? Đâu là các dự án trọng yếu cần có? Lộ trình này có tính thực tế không? Có bất kỳ rào cản nào cần cân nhắc và giải quyết khi đưa vào quá trình lập kế hoạch không? Các DN cần tối ưu công nghệ để thiết lập kế hoạch Net Zero hiệu quả. Đặc biệt cần có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề trong lộ trình tới Net Zero" bà Hương khuyến nghị.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo