Ngân hàng ‘bứt tốc’ lên sàn trước giờ G
Xuất khẩu thủy sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2030 / Giá điều nhân nội địa cao hơn xuất khẩu ẩn chứa nguy cơ gì?
Ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của NamABankchính thức giao dịch trên sàn UPCoM. |
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 2/2019. Đề án đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường, trong đó yêu cầu đến hết năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Dồn dập niêm yết, lên sàn
Trước đó, tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng TMCP trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng nhiều lần có công văn nhắc chủ trương, lộ trình tất cả ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch treemn UPCoM.
Yêu cầu đưa cổ phiếu lên sàn được nhắc lại nhiều lần, cho thấy tính cấp bách và tầm quan trọng của việc này.
Tính tới thời điểm hiện nay, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến hạn cuối để các ngân hàng phải hoàn thiện kế hoạch lên sàn theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo thống kê trên cả 2 sàn HoSE, HNX và thị trường UPCoM, tính tới quý II/2020 mới có 17 nhà băng đăng ký giao dịch: VCB, CTG, BID, ACB, EIB, STB, SHB, MB, TCB, HDB, TPB, NVB, LPB, VIB, VBB, BAB, VPB. Đây là con số khiêm tốn so với tổng 31 ngân hàng TMCP đang hoạt động tại Việt Nam.
Có thể thấy, để chạy đua với thời gian, nhiều nhà băng cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục lên sàn, sau nhiều lần trì hoãn. Chẳng hạn, trong tháng 7, Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) đã chính thức niêm yết 317,1 triệu cổ phiếu BVB trên thị trường UPCoM, giá tham chiếu trong phiên ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 3.171 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá chào sàn ngày đầu tiên ở mức 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch hơn 3.890 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ hiện hữu của ngân hàng.
Theo kế hoạch, 308 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) được HNX chấp thuận giao dịch trên UPCoM và chính thức chào sàn ngày 15/10 tới.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác đã đăng ký hồ sơ niêm yết cổ phiếu lần đầu lên HoSE, HNX như: MSB, LienVietPostBank…
Vẫn còn ngân hàng "lỗi hẹn"?
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đang rất cố gắng chạy đua với thời gian, nhưng cũng có không ít ngân hàng có khả năng sẽ “lỗi hẹn” trong năm nay.
Nhìn vào diễn biến thị trường trong thời gian gần đây cho thấy, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 7/2020 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “rùng mình”, nhưng giá cổ phiếu của các ngân hàng vẫn ổn định so với tháng 3/2020, nhờ việc kiểm soát tốt đại dịch. Vì vậy, đây có thể coi là thời điểm thuận lợi cho các ngân hàng niêm yết hoặc chuyển sàn.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng đã sẵn sàng. Loại trừ những ngân hàng trong diện yếu kém, vẫn còn một số nhà băng kinh doanh ổn định nhưng lại chưa có kế hoạch niêm yết trong năm nay.
Việc các ngân hàng nấn ná lên sàn, theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Dầu Khí (PSI), cũng không có gì quá bất ngờ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh doanh nhiều ngân hàng đi xuống, kèm theo đó là nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tăng. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới báo cáo tài chính của các ngân hàng.
“Thông thường, các ngân hàng đều muốn hạn chế tối đa những điểm "gợn" trên báo cáo tài chính để có thể lên sàn với mức giá tốt hơn. Chính vì thế, các ngân hàng muốn đợi thời điểm kinh doanh khả quan hơn, tăng trưởng tín dụng cải thiện, câu chuyện nợ xấu được giải quyết êm đẹp... để báo cáo tài chính "đẹp" hơn rồi mới lên sàn”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, dù các điều kiện không thuận lợi, nhưng ngân hàng không thể không chần chừ mãi được.
“Đây là cuộc chơi chung và chúng ta phải tuân thủ. Trong một trận bóng, không phải lúc nào cũng được chọn góc đẹp mới đá”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Có thể xem việc một số ngân hàng có động thái gấp rút lên sàn UPCoM là giải pháp tránh bị đưa vào “danh sách đen” của cơ quan quản lý. Nguyên nhân là bởi, việc lên sàn UPCoM dễ hơn so với lên sàn chính thức, khi các ngân hàng không phải công bố quá nhiều thông tin, các số liệu kinh doanh, báo cáo tài chính cũng không phải thực hiện quá khắt khe như sàn HoSE hoặc HNX.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh