Nhiều mặt hàng nông sản chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn từ EU
Đà Nẵng: 7 cơ sở dịch vụ ăn uống được xếp hạng 5 sao về an toàn thực phẩm / Xuất khẩu sang EU, bún, miến, phở sẽ không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Chia sẻ tại hội nghị “Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp thực hiện”, ngày 2/8, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hoà cho biết, từ đầu tháng 5/2024, phía EU đề nghị Việt Nam cần thực hiện những biện pháp kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đồng thời, yêu cầu Việt Nam tăng cường quản lý các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi tôm, dư lượng thuốc trừ sâu trong thực vật và sản phẩm thực vật, sử dụng chất phụ gia trong sản phẩm thủy sản…
Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ông Hòa cho rằng đây cũng là một trong những FTA lớn và quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc là thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản.
Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Nếu vi phạm các quy định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TS Đào Văn Cường - Chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, EU là thị trường có nhiều thông báo, dự thảo các biện pháp SPS nhất gửi đến Văn phòng SPS Việt Nam. Tiếp đến là các thị trường Brazil, Mỹ, Canada, Anh.
Phân theo lĩnh vực thì các thông báo tập trung nhiều nhất vào các cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kế đến là cảnh báo về sức khoẻ động vật, sức khoẻ thực vật.
Đáng chú ý, số cảnh báo từ EU được nhận định tăng bất thường trong 6 tháng đầu năm. TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, EU đã đưa ra 57 cảnh báo đối với nông sản Việt Nam (tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023).
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%)
Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Một số sản phẩm nông sản của Việt Nam bị EU cảnh báo gồm: rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật (thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm…); sản phẩm thủy sản (cá, mực, tôm, ếch, ngao…); sản phẩm chế biến khác (tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở…).
Theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nguyên nhân gia tăng số lượng cảnh báo từ EU là do xu thế các quốc gia và vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật ngày càng tăng.
Cùng với đó là xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh…Trong khi đó, sản xuất của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường châu Âu.
Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Quy định mức dư lượng tối đa đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.
Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng.
“Để bảo đảm việc xuất khẩu nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang EU không gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần chú ý kiểm soát các hoạt chất và vi sinh vật được khuyến cáo bởi các cảnh báo từ EU. Đồng thời, cần chú ý kiểm soát các hoạt chất dựa trên các cảnh báo từ EU cho nông sản Việt Nam”, ông Nam khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo