Thị trường

Những lĩnh vực tiềm năng doanh nghiệp Việt có thể đầu tư vào Bangladesh

DNVN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tích cực nghiên cứu, đầu tư vào Bangladesh trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng, công nghệ thông tin, sản xuất giày dép, xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử, phát triển công nghiệp Halal và du lịch.

Xuất khẩu nông sản, gỗ sang EU: Ngày càng khó, doanh nghiệp đừng để "nước đến chân mới nhảy" / Xăng, dầu đồng loạt tăng giá mạnh

Tại Diễn đàn Chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Bangladesh ngày 22/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay Việt Nam đang tham gia 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

“Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật có tính khả thi và đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp là thành công của chính mình… Đó là thông điệp nhất quán mà chúng tôi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tích cực nghiên cứu, đầu tư vào Bangladesh trong các lĩnh vực như phát triển điện, năng lượng, công nghệ thông tin, sản xuất giày dép, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất giống cây và trồng rau quả, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển công nghiệp Halal và du lịch, thúc đẩy sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước. Phấn đấu ngay trong năm 2024 sẽ đạt mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Bà Shomi Kaiser - Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) khẳng định, điểm nhấn trong quan hệ song phương Việt Nam – Bangladesh là hợp tác thương mại. Tuy nhiên quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện hai nước chưa ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), nhưng Bangladesh có thị trường rộng lớn và luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, thương mại trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại diện cơ quan chủ trì diễn đàn đánh giá, Bangladesh là thị trường quan trọng tại khu vực Nam Ấ, là đối tác quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường của Việt Nam.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng mong muốn các doanh nghiệp Bangladesh có thêm nhiều thông tin về thị trường Việt Nam để tận dụng tốt hơn các cơ hội hợp tác giữa hai nước. Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác, là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc lựa chọn là điểm đến đầu tư, kinh doanh.

Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở khu vực Nam Á. Thương mại giữa hai nước tăng 4 lần trong vòng 10 năm (từ khoảng 350 triệu USD năm 2012 đến xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2022), đang hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đề ra và cao hơn nữa. Hai nước cũng vừa gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo thêm 5 năm (đến năm 2027). Hai bên có nhiều lĩnh vực hợp tác có thể bổ sung cho nhau.

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh. Tại phiên giao thương đã có hơn 150 lượt giao dịch được thực hiện. Một số doanh nghiệp từ Việt Nam sang đã thâm nhập được thị trường Bangladesh và cho biết diễn đàn là cơ hội tốt để doanh nghiệp củng cố vị thế hiện diện và kết nối thêm các đối tác kinh doanh Bangladesh tiềm năng.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm