Những thách thức khi xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan
DNVN - Ấn Độ được đánh giá là thị trường khá tiềm năng để xuất khẩu (XK) thanh long Việt Nam. Còn Pakistan, dù là thị trường nhỏ, chưa nhập khẩu thanh long tươi từ nước ta nhưng có thể hướng thị trường ngách cho sản phẩm chế biến. Dù được đánh giá là tiềm năng nhưng việc XK thanh long sang hai quốc gia Nam Á này cũng đối diện với nhiều thách thức.
VN-Index đánh dấu chuỗi tăng điểm dài nhất năm 2021 / 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 26,7% so với cùng kỳ 2020
Gần 1,5 triệu tấn thanh long vào vụ thu hoạch
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ & Pakistan 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức trưa ngày 5/8, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện thanh long Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020. Tuy nhiên, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.
Theo ông Vũ Bá Phú, việc xuất khẩu chủ yếu qua thị trường truyền thống Trung Quốc thời gian qua cũng cho thấy rất rõ nhiều bất cập, nhất là mỗi khi một số cửa khẩu đường bộ tạm ngưng thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tiệm cận với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá, với trên 1,36 tỷ người, cộng với việc 60% dân số ăn chay bằng rau quả và trái cây, Ấn Độ là thị trường khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu hoa quả nói chung và thanh long nói riêng của Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, Ấn Độ nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Ấn Độ có nhu cầu khá cao về thanh long khá vì loại quả này có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng. Năm 2019-2020 xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước ở mức 11,758 nghìn tấn, 9,86 triệu USD, năm 2020-2021 kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước.
Với Pakistan, ông Vũ Bá Phú đánh giá, dù là thị trường nhỏ, chưa nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam nhưng Pakistan có thể có những hướng thị trường ngách cho các sản phẩm chế biến từ thanh long Việt Nam.
Nói rõ hơn về thị trường này, bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, đối với mặt hàng trái cây, năm 2020, Pakistan xuất khẩu 401 triệu USD trái cây, đứng thứ 31 thế giới. Pakistan nhập khẩu 150 triệu USD, đứng thứ 52 thế giới. Pakistan nhập khẩu trái cây chủ yếu từ các nước láng giềng. Dù Pakistan có nhu cầu cao và ổn định với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng nước này chưa nhập khẩu trái cây từ Việt Nam.
Cũng theo bà Hà, nằm trong số ít thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam, Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ các mặt hàng nông sản truyền thống đến các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao.
Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về các tiêu chuẩn: kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, lao động... Đây là những nhân tố thuận lợi khi Việt Nam xuất khẩu thanh long và trái cây vào Pakistan.
Không ít thách thức
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, việc xuất khẩu thanh long Việt Nam đang đứng trước một số thách thức. Đó là khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa do dịch bệnh COVID-19 và đây là khó khăn mang tính khách quan, cần tìm biện pháp để tháo gỡ.
"Cần phải tính toán các bước đi đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ. Một trong những giải pháp là phải tìm được nguồn nhập khẩu. Một biện pháp quan trọng nữa là tăng cường hoạt động giao lưu và công tác tuyên truyền, quảng bá", Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.
Ngoài ra, một thách thức mới nảy sinh, đó là Ấn Độ cũng đã bắt đầu trồng thanh long ở một số địa phương. Chính quyền Ấn Độ cũng đã bắt đầu tuyên truyền, quảng bá thanh long như sản phẩm trái cây gốc của họ.
Đại sứ Phạm Sanh Châu.
"Đây là thách thức khá lớn đối với người trồng thanh long tại Việt Nam. Việc Ấn Độ từng đề cập đến việc chuyển giao công nghệ trồng và sản xuất thanh long cũng là điều chúng ta nên quan tâm. Có thể nói, chúng ta vừa có cơ hội vừa có thách thức", Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nhận định.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá, nếu thanh long Việt Nam không xuất khẩu được sẽ gây nhiều khó khăn cho người trồng, thậm chí dẫn đến hậu quả về xã hội.
"Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ còn khá nhỏ, nhưng chúng tôi ý thức được rằng xuất khẩu thanh long có vai trò quan trọng về kinh tế và ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội. Chúng tôi sẽ đồng hành và phối hợp với các tỉnh, thành trồng thanh long cũng như các cơ quan quản lý Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ", Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà phát biểu tại sự kiện.
Với thị trường Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà khuyến cáo, đây là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn nhưng tình hình an ninh tại quốc gia Nam Á này khá phức tạp. Rào cản thương mại gồm phá giá đồng tiền quốc gia 50% làm cho giá bán lẻ hàng nhập khẩu trở nên rất đắt đỏ. Ngoài ra, rào cản từ tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal) trong nông sản và thực phẩm, quy định đối với nhãn mác của các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu cũng là điều mà các doanh nghiệp nên lưu tâm.
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú cho biết, là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở Việt Nam, việc đa dạng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long là hết sức quan trọng. Theo đó, để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ và Pakistan, các địa phương và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu của thị trường, thay vì mở rộng diện tích. Một khi có sản phẩm chất lượng đảm bảo thì việc tìm kiếm, phát triển thị trường, duy trì vị thế cạnh tranh sẽ thuận lợi và bền vững hơn rất nhiều.
"Cục Xúc tiến thương mại luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cam kết.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo