Nộp thuế qua sàn thương mại điện tử sẽ được áp dụng từ năm 2022?
Tiêu thụ hành tím Sóc Trăng thời Covid-19 trên sàn thương mại điện tử / Những gã khổng lồ “bơm tiền” thúc đẩy thương mại điện tử ở Đông Nam Á
Tổng cục Thuế dự kiến kết nối cung cấp thông tin người nộp thuế giữa các sàn TMĐT và cơ quan thuế hoàn thành trước năm 2022. (Ảnh: Int) |
Nhiều chuyên gia cho rằng, Thông tư 40 hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính mới đây có những quy định không phù hợp sẽ gây ra nhiều sức ép lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, với quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được đánh giá là đưa ra quá “âm thầm”. Sau gần nửa tháng Thông tư được ban hành, những người trực tiếp chịu tác động mới được tiếp cận đầy đủ nội dung.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT, tác động của Thông tư 40 rất rộng, liên quan nhiều bên, không riêng ban quản trị sàn. TMĐT có sự tham gia của các công ty đa quốc gia, xuyên biên giới, và rất nhiều hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, có sự chệnh lệnh giữa các thành phần. “Một số quốc gia tiên tiến quy định khai thuế tự động, công khai, cá nhân tự chấp hành. Còn ở Việt Nam, người kinh doanh không biết phải làm gì”, ông Dũng nêu.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, Thông tư chính thức có hiệu lực, vấn đề các sàn TMĐT lo lắng hiện nay là việc kê khai sai, tính toán và ghi nhận không chuẩn, hoặc sàn không có “công cụ” để buộc người kinh doanh nộp thuế thì trách nhiệm pháp lý của sàn sẽ như thế nào? Trường hợp người kinh doanh trốn tránh hoặc cố tình nợ thuế sẽ phải xử lý thế nào? Chưa kể, sàn TMĐT sẽ phát sinh thêm chi phí và phải bổ sung nguồn lực lớn nếu thực hiện quy định này.
Về thời hạn để Thông tư 40 có hiệu lực là từ 1/8 tới đây, như vậy khoảng thời gian còn lại là quá ngắn để các sàn sắp xếp về công nghệ, bố trí thêm nhân lực thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế. Do đó, quy định của Thông tư gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Không chỉ “tạo áp lực” cho sàn TMĐT bởi quy định trên, Thông tư 40 còn như đánh đố sàn TMĐT khi chỉ hướng dẫn chung là: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định”.
Trên thực tế, cá nhân kinh doanh có thể thực hiện bán hàng qua nhiều sàn TMĐT khác nhau, và chỉ bản thân cá nhân đó biết được doanh thu phát sinh tổng hợp lại như thế nào. Như vậy, một sàn TMĐT đơn lẻ khó có khả năng xác định doanh thu của người kinh doanh trên sàn có đạt 100 triệu đồng/năm hay không. Nếu xác định mức doanh thu không đúng hoặc không đủ, trách nhiệm xử lý của các bên liên quan thế nào? Bên cạnh đó, quy định này cũng dẫn đến việc người kinh doanh có thể “lách luật”, “né thuế” bằng cách chia nhỏ doanh thu, mở nhiều shop trên sàn, hoặc nhờ người đứng tên shop…
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết hay không trong bối cảnh hiện nay khi yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn?
"Chúng ta đang khuyến khích phát triển sàn TMĐT, nhưng thông tư này lại đưa ra quy định về thuế, cho thấy dường như cơ quan quản lý muốn quản, muốn thu nhiều hơn là tạo ra sân chơi tốt, hiệu quả cho các bên, người tiêu dùng. Cần thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp với sự phát triển, hơn là sử dụng cách thức, công cụ cũ", bà Thảo đánh giá.
Thông tin về nội dung này, Tổng cục Thuế sáng ngày 26/6 cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ được tự kê khai nộp thuế hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế thay.
Để hỗ trợ cá nhân kinh doanh có thể kê khai đúng, đủ, kịp thời Thông tư đã quy định trách nhiệm các sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin. Từ đó, hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế sẽ hỗ trợ tra cứu thông tin tổng hợp doanh thu kinh doanh trên toàn quốc để cá nhân có thể tự thực hiện việc khai thuế, nộp thuế kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định.
Tổng cục Thuế dự kiến lộ trình triển khai việc kết nối cung cấp thông tin. Theo đó, từ nay đến trước 1/8/2021, Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công thương khảo sát thực tế một số sàn TMĐT để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn.
Từ 1/8/2021 đến trước 1/10/2021, Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.
Từ 1/10/2021 đến trước 1/1/2022, Tổng cục Thuế và các sàn TMĐT nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.
Từ 1/1/2022, các sàn TMĐT kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị Hiệp hội TMĐT Việt Nam và các sàn TMĐT đề xuất cụ thể và gửi Tổng cục Thuế trước ngày 3/7/2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo