Phương án nào cho xuất khẩu tôm?
Cá tra đảo chiều đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ / Hòa Bình: Trồng cây cho hạt đắt như 'vàng ròng', xây nhà lầu sắm xe hơi
Trong quý I/2020, nhập khẩu (NK) tôm của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam vào thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay cũng giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm vì các nhà hàng đóng cửa, người dân hạn chế đi lại, khách du lịch vắng bóng, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận nhập cảng bị đình trệ.
Kỳ vọng sau đợt dịch
Tuy vậy, theo chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep), dù rất khó dự đoán về diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19, nhưng sau đợt dịch này, dự kiến nhu cầu thủy sản của Trung Quốc, trong đó có tôm sẽ tăng vì nguồn cung thịt gà, thịt lợn giảm.
Bởi lẽ, việc tiêu thụ và NK mặt hàng tươi sống sẽ sụt giảm do cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh từ động vật sống. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm tôm chế biến sẵn, sản phẩm đông lạnh của Việt Nam tại Trung Quốc. Quan trọng là mặt hàng tôm Việt cần đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử, mua hàng online của các hộ gia đình và các điểm bán lẻ tại thị trường này.
Giới chuyên gia cho rằng giao thương của Trung Quốc tê liệt do dịch Covid-19 nên họ đưa ra chính sách mới thúc đẩy NK bằng cách giảm thuế cho các sản phẩm NK, bao gồm cả thủy sản, tạo điều kiện cho NK tôm vào thị trường tăng sau đợt dịch bệnh.
Với thị trường Mỹ, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu trong danh sách các thị trường NK chính của tôm Việt Nam, chiếm 20% tổng giá trị XK. XK tôm sang Mỹ trong tháng 1 đạt 37,9 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 1/2020, doanh nghiệp (DN) XK tôm lớn nhất vào thị trường Mỹ là CTCP thuỷ sản Minh Phú bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại nước này.
Với cáo buộc như vậy, cộng với tác động của dịch Covid-19 khiến cho Minh Phú có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc XK tôm sang thị trường nước ngoài. Nếu bị áp thuế CBPG, kim ngạch XK tôm của Minh Phú sẽ bị ảnh hưởng đến những mục tiêu đặt ra, nhất là trong giai đoạn Mỹ đang là thị trường có doanh thu NK tôm đứng đầu của công ty.
Còn ở thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam là EU, trong phương án XK tôm cho năm 2020 vào thị trường này, giới chuyên gia khuyên các DN cũng nên đẩy mạnh xuất các sản phẩm tôm sú.
Hiện, tôm sú hầu hết được NK vào EU như một sản phẩm cuối cùng, đóng gói và được phân phối trong các phân khúc đông lạnh của siêu thị hoặc cửa hàng bán buôn dịch vụ thực phẩm.
Tính toán cơ cấu thị trường
Trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, theo khuyến nghị của giới chuyên gia, các DN XK tôm cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất kịp thời.
Đặc biệt là cần chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người tiêu dùng toàn cầu sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp, hàng chế biến thay vì hàng tươi sống.
Bên cạnh đó, DN cần tính toán cơ cấu thị trường tiêu thụ và hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, giảm áp lực XK sang Trung Quốc. Kỳ vọng sau đợt dịch, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm sẽ cao hơn.
Được biết trong quý I/2020, do chưa vào vụ nuôi tôm chính, thị trường tiêu thụ mặt hàng này cũng chưa khởi động, nên ngành tôm Việt Nam gần như chưa gặp nhiều khó khăn như các ngành hàng khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 vẫn kéo dài đến quý II thì điều này thực sự sẽ trở thành một thách thức không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam.
Hiện có khoảng 70-80% tôm Việt Nam xuất đi các nước Nhật Bản, Mỹ và EU, 30% còn lại xuất sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Dịch Covid 19 bùng phát tại Trung Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc.
Do đó, DN thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng XK vào các nước khác trên thế giới, nhất là với thị trường EU nhằm tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Các DN kinh doanh và sản xuất tôm hiện cũng đã có những phương án trong việc tìm kiếm thị trường khác như đẩy mạnh XK vào Nhật Bản, Mỹ và EU.
Theo ông Bùi Bá Sự, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, DN này đang tập trung vào nuôi tôm sạch, truy xuất nguồn gốc để xuất sang EU nhằm tận dụng EVFTA.
Trong các DN XK tôm hiện nay, có thể thấy những DN đang đầu tư vào tôm sinh thái sẽ có nhiều lợi thế lớn. Đơn cử như CTCP Camimex Group đang sở hữu 40.000ha vùng nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau, là lợi thế giúp DN này trong bối cảnh xu thế tiêu thụ sản phẩm tôm sinh thái đang tăng nhanh ở EU và Mỹ.
Việc XK tôm sinh thái là điều mà các DN XK tôm cần tính tới nhằm tránh các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao cũng như dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính. Điều này có thể giúp các DN XK tôm gia tăng thêm doanh số trong thời buổi khó khăn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
XK tôm được kỳ vọng gia tăng sau đợt dịch Covid-19