PMI tháng 4 Việt Nam có mức tăng cao nhất ASEAN
Lý do để doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến thị trường Canada / Gạo Việt Nam bán tại Anh hầu hết không mang thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt
Theo dữ liệu Chỉ số Các nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index (PMI™) của IHS Markit, các điều kiện sản xuất của ASEAN cải thiện với tốc độ nhanh hơn đáng kể trong tháng 4, và là mức cải thiện nhanh nhất kể từ tháng 7/2014. Nhân tố chính dẫn đến kết quả hoạt động tốt hơn của lĩnh vực sản xuất là sản lượng tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2014, và mức tăng mạnh nhất của số lượng đơn đặt hàng mới kể từ tháng 5/2013. Đồng thời, niềm tin kinh doanh tiếp tục cải thiện khi các công ty có thái độ lạc quan nhất trong một năm qua về triển vọng sản lượng năm tới.
Chỉ số PMI toàn phần đạt trên ngưỡng trung tính 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp, sau khi tăng từ 50,8 điểm trong tháng 3 lên 51,9 điểm trong tháng 4, cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất ASEAN có mức cải thiện nhanh nhất kể từ tháng 7/2014, và nhìn chung đây là mức cải thiện vừa phải.
Trong số bảy quốc gia khảo sát, Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh nhất. Tại đây, chỉ số PMI toàn phần gần đạt mức cao của hai năm rưỡi là 54,7 điểm cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tiếp theo sát là Indonesia, nơi có PMI đạt mức cao kỷ lục (kể từ đầu năm 2011) là 54,6 điểm, và các điều kiện sản xuất tổng thể cũng cải thiện đáng kể.
Tăng trưởng cũng được ghi nhận ở Malaysia, nơi chỉ số toàn phần đã leo lên trên mức trung tính 50 điểm lần đầu tiên trong mười tháng và chỉ là lần thứ hai kể từ tháng 9/2018. Với kết quả 53,9 điểm, tốc độ tăng trưởng cũng là nhanh nhất trong lịch sử chỉ số (kể từ giữa năm 2012). Tương tự như vậy, Thái lan ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số toàn phần (50,7) chỉ cho thấy mức tăng trưởng nhẹ.
Ở những nơi khác, cả Singapore và Philippines đều tiếp tục suy giảm trong tháng 4. Với Singapore, chỉ số toàn phần (49,5) cho thấy các điều kiện sản xuất giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, nhưng mức giảm chỉ là nhẹ. Ở Philippines, đây là lần suy giảm đầu tiên trong bốn tháng và, mặc dù chỉ là giảm nhẹ, vẫn là mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 10/2020 (chỉ số đạt 49 điểm).
PMI ngành sản xuất các nước ASEAN. Nguồn: IHS Market.
Cuối cùng, Myanmar lại ghi nhận mức suy thoái mạnh nhất trong bảy quốc gia khảo sát khi tình trạng đóng cửa nhà máy trong bối cảnh bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng nặng nề lên lĩnh vực sản xuất. Chỉ số PMI tăng thành mức cao của ba tháng là 33 điểm, nhưng nó vẫn phản ánh mức suy giảm đáng kể.
Lĩnh vực sản xuất của toàn ASEAN có kết quả tốt hơn nhiều trong tháng 4. Mức cải thiện nhanh nhất của các điều kiện sản xuất kể từ tháng 7/2014 được thúc đẩy bằng tốc độ tăng trưởng nhanh hơn đáng kể và mức tăng mạnh nhất của số lượng đơn đặt hàng mới kể từ tháng 5/2013. Nhu cầu nước ngoài cũng tăng trong tháng 4 khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong gần hai năm, và mức tăng là khiêm tốn.
Cũng giống như yêu cầu về sản lượng, các công ty đã tiếp tục tăng hoạt động mua hàng, và mức tăng lần này là nhanh nhất kể từ tháng 5/2018. Hàng tồn kho trước sản xuất hầu như ổn định trong tháng, trong khi tồn kho thành phẩm giảm với tốc độ chậm hơn. Chuỗi cung ứng tiếp tục chậm giao hàng trong tháng 4, mặc dù thời gian giao hàng bị kéo dài ở mức độ nhẹ nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Dữ liệu của tháng 4 cũng cho thấy áp lực sản xuất vẫn còn tại các nhà máy sản xuất hàng hóa ASEAN, khi lượng công việc tồn đọng tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, các công ty tiếp tục giảm nhẹ việc làm trong tháng 4.
Về mặt giá cả, gánh nặng chi phí lại tăng đáng kể khi tỷ lệ lạm phát là nhanh nhất kể từ tháng 11/2013. Kết quả là, các công ty đã tăng giá bán hàng trung bình với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2018.
Nhìn về tương lai, các nhà sản xuất vẫn lạc quan về sản lượng trong năm tới. Trên thực tế, mức độ lạc quan là mạnh nhất kể từ tháng 1/2020.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Lewis Cooper, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, nói: “Lĩnh vực sản xuất ASEAN tỏ ra đã tăng trưởng trở lại trong tháng 4. Các điều kiện kinh doanh cải thiện với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2014 với sản lượng tăng nhanh hơn, trong khi mức tăng lần này của số lượng đơn đặt hàng mới là nhanh nhất kể từ tháng 5/2013. Do đó, mức độ lạc quan về sản lượng trong năm tới của các công ty là cao nhất kể từ tháng 1/2020, và niềm tin nhìn chung ngang bằng với mức trung bình của lịch sử chỉ số.
Tình trạng chậm giao hàng lại diễn ra, mặc dù ít căng thẳng hơn, khi thời gian giao hàng hóa đầu vào trung bình bị kéo dài với mức độ nhỏ nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, từ đó cho thấy áp lực lên chuỗi cung ứng đã giảm bớt vào đầu quý 2 của năm. Tuy nhiên, chi phí tiếp tục tăng trong tháng 4, với tốc độ tăng giá là nằm trong số nhanh nhất từng được ghi nhận.
Nhìn chung, dữ liệu PMI trong tháng 4 cho thấy kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất ASEAN đã được cải thiện nhiều với những dấu hiệu rõ ràng rằng quá trình phục hồi đã bắt đầu và lĩnh vực sản xuất bắt đầu hướng tới bù đắp lại những gì đã mất.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025