Thị trường

Sơn La: Tích cực bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Phát triển thế mạnh sẵn có về nông nghiệp, những năm gần đây, Sơn La đang đẩy mạnh sản xuất an toàn, sản xuất sạch từ đó hình thành các chuỗi giá trị. Đây là một trong những thành công trong phát triển nông nghiệp ở Sơn La khi mang lại giá trị kinh tế và môi trường.

Khoa học công nghệ là then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp / Quảng Ninh: Hiệu quả từ HTX du lịch-nông nghiệp sinh thái

Theo UBND tỉnh Sơn La, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã hình thành được 61 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, tăng 14 chuỗi so với năm 2017. Trong đó có: 18 chuỗi rau, 35 chuỗi quả, 2 chuỗi thịt lợn an toàn, 4 chuỗi thủy sản an toàn, 2 chuỗi mật ong an toàn. Tổ chức giám sát 25 mã số vùng trồng xoài, nhãn, mận, bơ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích là 228 ha.

Xây dựng chuỗi bền vững

Có được những thành quả này, ngành nông nghiệp đã làm tốt vai trò định hướng, hỗ trợ người dân trong sản xuất và phát triển. Đối với Sơn La, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn nên việc định hướng, hỗ trợ người dân có vai trò hết sức quan trọng.

Trong đó, việc thay đổi sản xuất theo mô hình HTX, liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị bền vững là cả một quá trình. Tuy nhiên theo đại diện UBND tỉnh Sơn La-ông Quàng Hồng Phương, cho biết, dù hoạt động theo cơ chế nào, hình thức nào thì phải đều mang lại lợi ích cho chính người dân, có như vậy, mọi người mới đồng lòng và có ý thức vươn lên.

Nhiều HTX ở Sơn La chú trọng sản xuất sạch

Nhiều HTX ở Sơn La chú trọng sản xuất sạch

Hiện nay, hầu hết các HTX ở địa bàn tỉnh đều hoạt động theo Luật HTX 2012 nên đề cao vai trò của thành viên, các thành viên đều có tiếng nói để phát triển, xây dựng HTX. Trong đó, nhờ tích cực đào tạo nghề, chủ động học hỏi và ứng dụng kỹ thuật nên các HTX hầu hết đều hoạt động hiệu quả.

Hiện nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đổi mới giống, tích cực liên kết để hoạt động hiệu quả.

Đếnnay, Sơn La đã có không ít HTX hình thành chuỗi bền vững như: HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu; HTX sản xuất rau an toàn Ta Niết, Tự Nhiên (Mộc Châu), Chiềng Phú (Yên Châu), Tiên Sơn, Diệp Sơn (Mai Sơn)... Các mô hình này đều đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ ở các siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, một số hàng nông sản của các HTX ở Sơn La còn bước đầu được xuất khẩu ra nước ngoài.

Chỉ tính riêng năm 2018, các HTX đã xuất khẩu trên 17.500 tấn quả các loại sang các thị trường Úc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước khu vực Trung Đông...

 

Thấy được hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới, hiện nay, hầu hết người dân ở Sơn La đã tham gia HTX, vào đây, người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất nhằm mang lại lợi ích cho chính mình. Chính vì vậy, số HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4 liên hiệp HTX và 572 HTX, tăng 378 HTX so với năm 2015. Trong đó, 467 HTX nông nghiệp, chiếm 81,6% tổng số HTX và tăng 375 HTX so với năm 2015; HTX nông nghiệp có 5.874 thành viên, tổng vốn sản xuất, kinh doanh 466 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt 1,7 tỷ đồng/năm, tăng 69% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu bình quân của các HTX cây ăn quả đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tăng 66,7% so với năm 2015. Hàng năm, các HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.

Tích cực bảo vệ môi trường

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo chuỗi và hiện đại, các HTX nói riêng và ngành nông nghiệp tỉnh đang góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.

 

Hầu hết các HTX đã triển khai sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV đúng nơi quy định, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả… từ đó nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.

Thói quen sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy… đã gây nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thuốc BVTV (đặc biệt là thuốc diệt cỏ), gây nguy hại đến sức khỏe không những cho người sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhận thức được điều đó, ngành nông nghiệp, chính quyền và các HTX đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức triển khai mô hình sử dụng BVTV trách nhiệm, an toàn và hiệu quả. Các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người nông dân về quản lý, thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, thu hút được hàng nghìn người dân và thành viên HTX tham dự.

Việc quản lý, sử dụng và thu gom bao gói thuốc BVTV còn được đưa vào hương ước, quy ước của tổ, bản, tiểu khu, quy định rõ vị trí bể chứa bao gói thuốc BVTV. Các HTX và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy trình trong sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là khu vực đầu nguồn nước.

Đến nay, hầu hết các HTX, người dân ở các thôn, bản đều tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành, tự giác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Hàng trăm bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV cũng được triển khai.

 

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc HTX Thanh Long Ngọc Hoàng (Mai Sơn) cho biết: Việc sử dụng thuốc BVTV an toàn của thành viên và người dân trên địa bàn đã được nâng cao. Mọi người đã tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; không còn tình trạng vứt vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi tại nương rẫy… góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cho nông sản.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm