Tăng trưởng GDP 2020: Dự báo của VEPR cách xa mục tiêu của Quốc hội
DNVN - Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), những bất ổn địa chính trị trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước, theo đó GDP Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 6,48% - thấp hơn khá nhiều mục tiêu do Quốc hội đề ra là 6,8%.
Đánh giá lại quy mô GDP: Việt Nam không phải ngoại lệ / GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%/năm sau khi đánh giá lại
Sáng 16/01/2020, tại Hà Nội, VEPR đã tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2019. Theo báo cáo của VEPR, kinh tế Việt Nam năm 2019 ghi nhận nhiều điểm sáng: GDP tăng trưởng 7,02%, khu vực sản xuất tiếp tục mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 11,8% so với năm trước, lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh trong năm 2019 nhưng theo chiều hướng giảm dần...
Toàn cảnh tọa đàm.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, dù là con số nào thì tăng trưởng kinh tế VN 2019 vẫn ấn tượng trong bối cảnh hiện nay. Nhìn theo tổng cung, tổng cầu có nhiều điểm tốt. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây thêm phiền toái cho Việt Nam. Việt Nam nằm trong danh sách có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ và có trong danh sách mà Hoa Kỳ coi là phải giám sát về thao túng tiền tệ.
Chia sẻ những trăn trở về nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, năm 2019, trong Nghị quyết 01 của Chính phủ có từ đặc biệt quan trọng là "bứt phá". Nếu xét dưới góc độ từ này của Nghị quyết 01 thì chúng ta chưa đạt. Bởi vấn đề tăng trưởng bền vững trở nên nhức nhối hơn rất nhiều, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội và TP HCM. Không chỉ là đo độ ô nhiễm mà vấn đề quan trọng hơn là chính sách, chiến lược, cơ chế ứng phó nhanh...
2 là nếu nói về bứt phá cải cải cách thì môi trường kinh doanh còn xa so với yêu cầu. Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DN Nhà nước diễn ra rất chậm, đầu tư công và các ngân hàng còn nhiều khó khăn.
TS. Võ Trí Thành chia sẻ tại tọa đàm.
3 là đổi mới sáng tạo, dù Việt Nam đã tăng bậc nhưng rõ ràng xét dưới góc độ thể chế cho các startup thì chúng ta chưa đạt yêu cầu.
4 là áp lực lạm phát trong năm nay cao hơn dù tính theo năm hay lạm phát trung bình cho năm 2020 do biến động bên ngoài, câu chuyện giá thực phẩm, giá của một só mặt hàng do NN quản lý chưa "cởi" hết như điện, giáo dục, y tế. Do vậy áp lực lạm phát là khá lớn. Tăng trưởng ở mức 6,8% là mức cần cẩn trọng.
Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2020, PGS. TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR dự báo rằng, quý I/2020 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,33%; quý II đạt 6,27%; quý III đạt 6,58%; quý IV đạt 6,64% và cả năm sẽ đạt 6,48%”.
Trong khi đó, mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, theo đó tăng trưởng GDP đạt 6,8%; CPI bình quân dưới 4%.
Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, những mục tiêu của năm 2020 có thể đạt được. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4% do những bất ổn địa chính trị trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, nguy cơ lạm phát năm 2020 sẽ lớn hơn năm ngoái và tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% là tương đối thách thức.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR phát biểu tại tọa đàm.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành nhận định, năm 2020 thế giới vẫn đa cực như 2019, theo đó kinh tế thế giới vẫn sẽ giảm tốc, bất định và rủi ro. Theo các nghiên cứu, 5 rủi ro lớn nhất cho kinh tế thế giới trong năm nay là địa chính trị và cuộc chiến thương mại, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, tăng trưởng của Mỹ giảm tốc, tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc, và thế giới là thiếu lãnh đạo về chính trị.
Đưa ra những lưu ý chính sách cho Việt Nam để đảm bảo mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến một năm đầy khó khăn. Về phía cầu, tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước thấp, trong khi khu vực FDI và tư nhân tăng trưởng và tỷ lệ giải ngân cao.
Những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng nhanh tiềm ẩn những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài.
Ngoài ra, lạm phát mặc dù được kiểm soát ở dưới ngưỡng 4% mà Quốc hội đề ra, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít lo ngại cho các Quý tiếp theo do Tết Nguyên đán sẽ đẩy nhu cầu tiêu dùng và sử dụng thực phẩm tăng cao; căng thẳng địa chính trị tại Iran ảnh hưởng không nhỏ đến giá dầu thô và nhiên liệu
VEPR cũng lưu ý rằng, trong năm 2019, Việt Nam trở thành một trong bảy đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, cùng với lượng dự trữ ngoại hối tăng tới hơn 71 tỷ USD, Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Do đó, NHNN cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh trong năm 2019, theo chiều hướng giảm dần. Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và cụ thể theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo