Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là tái cấu trúc, vượt lên cái bóng của mình
Đại biểu Quốc hội lo ngại tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước / Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chủ yếu là chuyển giao nội bộ
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, những khó khăn không lường trước được của năm 2023 đã khiến các hiệp hội ngành nghề cũng như cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt lại thị trường truyền thống cũng như những thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại. Đồng thời, đây cũng là quá trình doanh nghiệp tìm kiếm ở các thị trường ngách khác nhau.
“Tôi cho rằng, trong năm 2024, đơn hàng xuất khẩu cũng như khả năng tăng trưởng của xuất khẩu sẽ tốt hơn năm 2023. Năm 2023 là năm mà chúng ta bị bất ngờ khi nhiều quốc gia được xem là thị trường truyền thống từ chối không ký đơn hàng với nhiều doanh nghiệp.
Tăng trưởng xuất khẩu giảm sút, buộc các doanh nghiệp đã quay trở lại nắm bắt thị trường trong nước, tạo đà cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển cho năm 2024”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, mức độ tăng trưởng của tổng sản phẩm tiêu dùng trong nước năm 2023 tăng khoảng 9,7%. Con số này vẫn là thấp so với năm 2022 nhưng cho thấy, các doanh nghiệp đã quay trở lại thị trường trong nước.
Từ đó, giúp các doanh nghiệp đi sâu hơn, nắm bắt, thực hiện yêu cầu mà các tầng lớp dân cư khác nhau mong muốn. Doanh nghiệp sẽ thích ứng hơn quá trình sản xuất kinh doanh trong năm 2024. Quá trình sản xuất kinh doanh cũng như quá trình hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trôi chảy hơn, hoạt động có hiệu quả hơn.
Chính phủ đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp kích cầu cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, giảm 50% phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến việc tiếp tục xem xét để có thể giảm các loại phí, lệ phí.
Sự hỗ trợ tích cực này sẽ giảm thiểu chi phí cho sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Hy vọng năm 2024, các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
Theo ông Thịnh, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là làm sao để có thể tự tái cấu trúc và vượt lên chính cái bóng của mình. Trong điều kiện hoàn cảnh của năm 2023, ngoài việc doanh nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu cạnh tranh về mặt giá cả cũng như chất lượng hàng hóa, một điều rất quan trọng là nhiều quốc gia nhận thấy các mặt hàng xuất khẩu Việt không bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Bởi vậy, họ không ký hợp đồng nhập khẩu.
“Các doanh nghiệp phải tự mình thay đổi để thích ứng thật nhanh. Hầu như tất cả các nước sẽ đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả và yêu cầu bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Cho dù tốn kém, nhưng sự thay đổi này là con đường phát triển lâu dài và bền vững nhất”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tìm cách tái cấu trúc chi phí, giảm thiểu chi phí mà chưa thực sự cần thiết hoặc mang tính thứ yếu. Để từ đó giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, trước yêu cầu năng suất lao động phải cao, chất lượng phải tốt nhưng giá thành lại phải rẻ hơn.
Doanh nghiệp không tự vượt lên thì không thể thực hiện được các chỉ tiêu liên quan đến năng suất lao động. Muốn thay đổi kết cấu của năng suất lao động, doanh nghiệp phải thay đổi ngay từ quy trình sản xuất, máy móc thiết bị và các vấn đề liên quan.
“Không loại trừ khả năng, trong năm 2024, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo của các tổ chức quốc tế thì lúc đó, có thể một số loại vật tư nguyên liệu sẽ khan hiếm, tăng cao.
Hoặc có sự bùng phát xung đột địa chính trị có thể khiến giá trị đầu vào của các nguyên nhiên vật liệu tăng lên, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án khác nhau để thích ứng với sự thay đổi này”, ông Thịnh lưu ý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo