Thị trường

Thái Bình: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Đến xã Tân Hòa (Hưng Hà) hỏi thăm mô hình chăn nuôi của nông dân Phạm Xuân Tuyến, người dân ở đây ai cũng biết bởi ông Tuyến là một trong những hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Bến Tre: Xoài tứ quý 'lên đời' trên vùng đất giồng cát / Thái Bình: Làm giàu từ “táo đào vàng”

Ông Tuyến chia sẻ: Thời điểm mới đầu tư chăn nuôi, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật và đã phải mất 2 vụ đầu chăn nuôi thua lỗ. Không nản chí trước khó khăn, tôi đã chủ động tham quan nhiều mô hình chăn nuôi ở Hải Dương, Hải Phòng, chủ động lên mạng tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại cải thiện điều kiện sản xuất. Sau khi tham quan các mô hình, gia đình tôi vay mượn thêm của họ hàng, người thân sửa chữa lại chuồng trại chăn nuôi theo đúng thiết kế, đầu tư thêm đèn điện, bạt, lưới, chuyển hướng chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học.

Hiện nay, mô hình nuôi gà của ông Tuyến có hai khu trại, mỗi khu có trên 1 vạn gà và 45 lợn nái với tổng diện tích hơn 1ha. Để chăn nuôi an toàn và hiệu quả, ông xây chuồng trại kiên cố, rào thép xung quanh, bố trí hệ thống cho vật nuôi ăn uống tự động. Ông còn đầu tư hệ thống bóng đèn điện để sưởi cho gà khi nhỏ, nền chuồng rải trấu dày khoảng 20cm và dùng các chế phẩm vi sinh xử lý để không gây mùi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, ông đầu tư gần 70 triệu đồng tiền vắc-xin, thuốc, men vi sinh để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Năm 2019, mô hình của nông dân Phạm Xuân Tuyến cho thu nhập gần 800 triệu đồng.

Năm 2019, mô hình của nông dân Phạm Xuân Tuyến cho thu nhập gần 800 triệu đồng.

Ông Tuyến cho biết: Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Từ hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, tôi thấy rằng chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học theo mô hình bán tự động vừa tốn ít chi phí đầu tư ban đầu vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, áp dụng kỹ thuật hiện đại nên trong năm qua mặc dù có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại của gia đình tôi vẫn cung ứng ra thị trường nhiều lợn giống, gà thịt, gà trứng, trừ chi phí đầu tư thu về gần 800 triệu đồng/năm. Nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nhiều năm liền ông Phạm Xuân Tuyến được Hội Nông dân huyện, xã, UBND xã tặng giấy khen bởi những kết quả mà ông đạt được trong thực hiện phong trào thi đua nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Từ mô hình của ông Tuyến có thể khẳng định: Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là giải pháp chăn nuôi an toàn, hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Ngoài việc giúp đàn vật nuôi lớn nhanh, phát triển khỏe mạnh còn tiết kiệm chi phí chăn nuôi và có sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Mô hình của ông Tuyến mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới, không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phù hợp với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tận dụng lao động nhàn rỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Ông Phạm Xuân Tuyến là một người dám nghĩ, dám làm, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đã mạnh dạn vay vốn, tái đầu tư sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ông Tuyến đã có những cải tiến sáng tạo giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho gia đình. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ nhân rộng và đẩy mạnh tuyên truyền về những mô hình tiêu biểu như của gia đình nông dân Phạm Xuân Tuyến để nhiều hội viên khác học tập và làm theo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm