Thay đổi để đón dòng đầu tư mới
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe / CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
CPTPP, EVFTA sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy dòng vốn đầu tư ngoài có chất lượng vào Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của ABB (Thụy Sỹ) tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Cú hích lớn từ CPTPP, EVFTA
Cho đến nay, mọi khẳng định của các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đều cho rằng, việc Việt Nam ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định điều này. Theo Bộ trưởng, CPTPP, EVFTA sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy dòng vốn đầu tư có chất lượng từ EU, từ các nền kinh tế thành viên CPTPP, cũng như từ các nhà đầu tư nước ngoài nói chung vào Việt Nam.
Trong phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, tổ chức hôm 4/7 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh điều này. “Việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, không chỉ ở các khoản đầu tư mới, mà ở cả việc mở rộng các dự án sẵn có, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ như vậy.
Thêm nữa, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài còn được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ trong năm 2019, như kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Các số liệu thống kê trong vòng 2 năm gần đây cho thấy, nhờ hiệu ứng tích cực từ CPTPP và những kỳ vọng vào EVFTA, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã đạt con số gần 36 tỷ USD, năm 2018 là hơn 35 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay là gần 18,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, thực tế, vốn đầu tư từ các nền kinh tế thành viên CPTPP tăng trưởng không lớn, còn vốn đầu tư từ EU vẫn khiêm tốn. Lũy kế cho đến nay, các nền kinh tế thành viên Liên minh châu Âu mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam 24,67 tỷ USD.
Trong khi đó, thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nửa đầu năm nay, cũng là khoảng thời gian mà CPTPP chính thức có hiệu lực, vốn đầu tư từ Singapore đăng ký vào Việt Nam là 2,199 tỷ USD, trong khi 6 tháng năm ngoái là 2,389 tỷ USD.
Tương tự, vốn đầu tư của Nhật Bản là 1,95 tỷ USD so với 6,466 tỷ USD; của Malaysia là 44,72 triệu USD so với 177,88 triệu USD; của Australia là 88,9 triệu USD so với 50,73 triệu USD; của Canada là 63,89 triệu USD so với 46,08 triệu USD…
Đầu tư từ Brunei, Chile cũng như các nền kinh tế thành viên CPTPP còn lại là không đáng kể. Thậm chí, có nền kinh tế không có bất cứ dự án đầu tư nào vào Việt Nam trong thời gian qua.
Thay đổi để đón dòng đầu tư mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong những tháng đầu năm có bị ảnh hưởng bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung trên thị trường toàn cầu. Đó là năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung phục hồi so với năm 2018, nhưng còn yếu và dự báo có thể sẽ còn biến động nhiều do những điều chỉnh về chính sách, cũng như việc cơ cấu lại mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác vẫn bế tắc và có thể kéo dài.
Thêm nữa, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng sụt giảm còn vì 6 tháng đầu năm ngoái, có nhiều dự án quy mô tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, như Dự án Thành phố thông minh 4,14 tỷ USD; Dự án Nhà máy sản xuất Poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng 1,2 tỷ USD; hay Laguna Lăng Cô tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD...
Tuy nhiên, nhìn vào con số thu hút đầu tư nước ngoài từ các nền kinh tế thành viên CPTPP thì thấy rằng, Việt Nam có lẽ chưa thực sự tận dụng được tốt nhất các cơ hội. Vấn đề có thể nằm ở chính năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Pegatron, một đối tác lắp ráp các sản phẩm iPad, MacBook của Apple đang có kế hoạch di chuyển nhà máy sang Indonesia nhằm hạn chế sự ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thay vì chọn Việt Nam như những thông tin rò rỉ trước đây. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà vốn đầu tư từ EU, từ Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Một phần nguyên nhân được chỉ ra là do sự thiếu minh bạch về chính sách, do môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn những rào cản, cũng như cạnh tranh về giá nhân công, giá thuê mặt bằng...
“Cơ hội không tự nhiên mà có. Dù có nhiều thuận lợi khi ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo sự thuận lợi và minh bạch”, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam nói.
Trong khi đó, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu đề cập việc Việt Nam cần “giảm tệ quan liêu, hành chính”. Còn ông Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường, Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Rumani cho rằng, để khai thác cơ hội, môi trường kinh doanh là “rất quan trọng”.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có lẽ là một trong những người hiểu điều này hơn ai hết. Ông Cung đã nhiều lần khẳng định, không chỉ là gỡ bỏ rào cản, mà Việt Nam phải có chính sách để tạo thuận lợi nhiều nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư bỏ vốn kinh doanh, đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương