Thị trường thương mại điện tử: Hàng Việt trước áp lực giành lại lợi thế sân nhà
Mạng xã hội Việt: “Đốt tiền” làm đuốc tìm lối đi / Vì sao về tay Alibaba, Lazada lại thua Shopee trong cuộc chiến ở Đông Nam Á?
Hàng Việt đang mất khách hàng, mất luôn lợi thế sân nhà trước cuộc đổ bộ của hàng nước ngoài giá rẻ. |
Hàng ngoại “phủ sóng”
Túi xách, giày dép là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng rất hiếm khi xuất hiện trên Lazada, Shopee, Tiki… trái ngược với tần suất xuất hiện dày đặc của các sản phẩm tương tự có nguồn gốc từ nước ngoài.
Anh Lê Ngọc Dũng, chủ xưởng sản xuất dày dép tại Cầu Diễn (Hà Nội) có gian hàng trên các sàn thương mại điện tử than thở: “Một đôi giày chúng tôi sản xuất giá gốc đã là hơn 150.000 đồng, nhưng cùng mẫu mã, chất liệu đó, các nhà sản xuất ở Trung Quốc chỉ bán 100.000 đồng. Chúng tôi cạnh tranh không nổi”.
Là một “tín đồ” mua sắm online, chị Hồng Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Quần áo, giày dép, mỹ phẩm… của nước ngoài bán trên Tiki, Shopee rẻ hơn hàng trong nước 30 - 50%, lại thường xuyên được khuyến mại, nên trong 10 món đồ thì tôi mua đến 6 - 7 món hàng của nước ngoài”.
Trên thực tế, cuộc đổ bộ của hàng tiêu dùng, điện máy, phụ kiện, nội thất… nước ngoài qua các sàn thương mại điện tử vào Việt Nam đã âm thầm diễn ra trong vài năm nay và nở rộ từ khi Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay.
Ngay trên trang chủ Lazada Việt Nam, click vào mục “Bán hàng cùng Lazada”, trang “Trở thành nhà bán hàng Lazada” sẽ được mở ra, trong đó có hẳn một mục “Nhà bán hàng nước ngoài” với bản đăng ký trở thành nhà bán hàng của sàn này bằng nhiều thứ tiếng. Lazada Việt Nam cho biết, sàn này có tới hàng chục ngàn nhà bán hàng nước ngoài.
Shopee Việt Nam cũng có hẳn chuyên mục “Hàng quốc tế” với hàng trăm mặt hàng từ nước ngoài giá rẻ, thường xuyên “siêu khuyến mại”, tặng cước vận chuyển.
Khi Alibaba bỏ 1 tỷ USD mua lại Lazada, Shopee nhận đầu tư lớn của Tencent và JD.Com rót vốn vào Tiki, người ta đã hình dung đến một ngày, hàng Trung Quốc sẽ “phủ sóng” diện rộng trên các sàn thương mại điện tử này.
Đó cũng là xu thế tất yếu, bởi ngay cả các “ông lớn” như Amazon cũng không thể ngăn được làn sóng này. Theo thống kê của Marketplace Pulse, tháng 1/2020, trong số 10.000 gian hàng trên Amazon có doanh thu từ 1 triệu USD trở lên, có tới 49% thuộc về nhà bán hàng từ Trung Quốc, các gian hàng Mỹ chỉ chiếm 47%.
Làm gì để giành lại lợi thế sân nhà?
Rõ ràng, hàng Việt đang mất khách hàng, mất luôn lợi thế sân nhà trước cuộc đổ bộ của hàng nước ngoài giá rẻ.
Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink chia sẻ, việc các sàn thương mại điện tử có vốn nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam, các gian hàng có vốn nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều là thực tế đang diễn ra.
“Đó là cuộc chiến của thế giới phẳng. Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp Việt mở gian hàng trên Amazon, thì cũng không thể hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. Bài toán đặt ra là chúng ta phải cạnh tranh, tăng khả năng bán hàng…”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đề cập việc cả 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki và Sendo (chiếm trên 90% thị phần) đều có vốn đầu tư nước ngoài, ông Lê Thanh Nghị, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Gia (chuyên sản xuất thiết bị nội thất) bày tỏ e ngại, các nhà đầu nước ngoài sẽ nắm “mạch máu”, quyết định sự sinh tồn của các doanh nghiệp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. “Nên chăng cần có quy định về vấn đề quản lý, sở hữu, hoạt động và giám sát đối với các sàn thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài”, ông Nghị đề xuất.
Theo Bộ Công thương, nhiều sàn thương mại điện tử trong nước đã dần mở rộng thị trường, tiếp cận các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, người bán nước ngoài mang đến sự phong phú về nguồn cung, tuy nhiên Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử chưa có quy định đối với chủ thể này. Vì vậy, trong quá trình giao dịch, nếu phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, thì quyền, lợi ích của người tiêu dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, trong quá trình sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài sẽ được bổ sung để giải quyết những vướng mắc, bất cập. Cụ thể, sẽ bổ sung quy định chủ thể của hoạt động thương mại điện tử, thu gọn đối tượng ứng dụng thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục hành chính; công khai thông tin hàng hóa, người mua, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; quy định rõ hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Đặc biệt, sẽ sửa quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2020, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng 16%, đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 29% và đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo