Thực phẩm, bánh mứt 'nội địa' lên ngôi; hoa, cây cảnh hút hàng
Thất nghiệp, cử nhân ra phố hát rong / Khám phá món ăn truyền thống của người Hà Nội
Khách hàng lựa chọn củ kiệu tại Chợ đầu mối Thủ Đức. Ảnh: TTXVN |
Những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dạo quanh các siêu thị, chợ đầu mối, chợ lẻ tại TPHCM và các trang bán hàng trực tuyến có thể thấy rất nhiều thực phẩm chế biến và mứt bánh có xuất xứ từ doanh nghiệp trong nước, chiếm hơn 70% thị trường mứt bánh tết, thay vì các sản phẩm nhập ngoại như mọi năm.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Tết Kỷ Hợi năm nay Thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 18.500 tấn bánh, kẹo. Các công ty bánh kẹo năm nay đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt mang không khí Xuân.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế vì hiểu biết về khẩu vị, văn hóa, nhu cầu của người tiêu dùng nên họ đã khai thác thị trường tốt hơn. Đây cũng chính là lý do bánh, kẹo, thực phẩm chế biến trong nước chiếm tỷ lệ lớn. Rất nhiều thương hiệu đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường và được người tiêu dùng chọn là quà Tết.
Đối với mặt hàng hoa tươi, theo thống kê, giá cả tương đối ổn định và không tăng nhiều so với ngày thường; trong đó, người dân có thể mua sắm hoa tươi các loại tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chợ hoa xuân… nên khó diễn ra tình trạng khan hàng tăng giá, hay đứt hàng cục bộ.
Theo Sở Công Thương TPHCM, có 4 chợ chuyên kinh doanh hoa cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019, thị trường Thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 150 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng...
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TPHCM) trong thời gian cao điểm từ ngày 27 tháng Chạp đạt khoảng 325 tấn/ngày. Trước đó, dự kiến lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khoảng 290 tấn/ngày.
Còn tại Chợ hoa xuân Bình Điền, dự kiến đến đêm cao điểm nhất, lượng hoa tươi sẽ tăng rất mạnh, có thể đạt khoảng 160 tấn (tăng gấp 10 lần ngày thường).
Chợ hoa ở Nhà văn hóa trung tâm TP. Huế. Ảnh: TTXVN |
Nhộn nhịp thị trường hoa Tết Thừa Thiên-Huế
Những ngày giáp Tết, các chợ hoa ở Phu Văn Lâu, đường Lê Quý Đôn, nhà văn hóa trung tâm tỉnh Thừa Thiên - Huế... nhộn nhịp, tấp nập người mua bán.
Ông Lê Đình Hoài Phương, khách mua hoa cho biết, năm nay, thị trường hoa Tết phong phú. Cúc đại đóa đẹp, giá bán một cặp (2 chậu), đến 2 triệu đồng, vẫn đông khách chọn mua.
Dịp Tết năm nay, hoa hồng từ Quảng Ngãi được bày bán nhiều trên thị trường với giá 700.000 đồng/cặp. Giá hồng tuy cao nhưng là mặt hàng mới nên được nhiều khách ưa chuộng; trong đó phải kể đến các loại bonsai, tiểu cảnh để bàn.
Giá hoa lan hiện vẫn giữ ở mức ổn định, ngang với năm ngoái. Trong đó, giá lan hồ điệp từ 150.000 - 170.000 đồng/cây; lan nghinh xuân từ 200.000 - 500.000 đồng/giò.
Người dânTP. Phan Rang - Tháp Chàm mua hoa về chơi Tết. Ảnh: TTXVN |
Ninh Thuận: Hoa, cây cảnh phục vụ Tết hút hàng
Tại Ninh Thuận, những ngày giáp Tết, thị trường hoa, cây cảnh khá nhộn nhịp. Những chậu hoa, cây xanh tươi, nở rộ khoe hương sắc đầu xuân, thu hút đông đảo người mua trưng Tết.
Theo các nhà vườn ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm, cuối năm 2018, thời tiết có mưa lũ nhưng nhà vườn chủ động chăm bón nên vẫn đủ lượng hoa phục vụ Tết. Năm nay, nhà vườn các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng đưa nhiều loại hoa, cây cảnh về Ninh Thuận bày bán nên thị trường hoa tết phong phú, đa dạng.
Hiện một chậu mai có giá 1,2 - 1,6 triệu đồng (tùy chậu nhỏ hay lớn); chậu cúc vàng trên dưới 1 triệu đồng (loại từ 30 - 50 cây). Quất có giá 800.000 - 1 triệu đồng/chậu. So với Tết năm trước, giá mỗi chậu hoa tăng từ 300.000 - 400.000 đồng. Giá hoa, cây cảnh tuy cao nhưng vì bông đẹp, nở đúng dịp Tết nên người mua mạnh tay chi.
Theo lãnh đạo UBND TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các nhà vườn trong và ngoài tỉnh có điểm tốt để bày bán; đồng thời bố trí lực lượng tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại các điểm bán.
Hoa lan Đà Lạt phục vụ thị trường Tết. Ảnh: TTXVN |
Giá hoa Tết Đà Lạt ở mức thấp
Trái với không khí nhộn nhịp ở nhiều nơi, dù đã vào cao điểm thu hoạch hoa Tết nhưng giá hoa đang ở mức thấp, không bằng vụ hoa Tết năm ngoái khiến nhiều nhà vườn ở TP. Đà Lạt lo lắng.
Theo khảo sát, năm nay, giá hoa Tết chỉ tăng nhẹ so ngày thường. Hoa cúc cắt cành loại đẹp bán tại vườn từ 1.800 – 2.500 đồng/cành ( ngày thường 1.500 – 2.100 đồng/cành). Hoa ly có giá 150.000 – 170.000 đồng/bó 5 cành, trong khi vụ hoa Tết trước 200.000 – 300.000 đồng/bó. Các loại hoa khác như lay ơn chỉ đạt 2.000 – 2.500 đồng/bó 10 cành, đồng tiền 2.500 đồng/cành.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, tổng diện tích hoa các loại phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2019 là 1.500 ha. Trong đó, diện tích hoa cúc 544 ha, hoa hồng 312 ha, lay ơn 154 ha, hoa ly 75 ha (khoảng 25 triệu cành), cát tường 120 ha (khoảng 40 triệu cành), địa lan 35 ha (khoảng 400.000 cành) và một số loại hoa khác chiếm 260 ha.
Vĩnh Long: Không để xảy ra khan hiếm hàng hóa
Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2019, thời điểm này sức mua các loại hàng hóa thiết yếu để chuẩn bị đón Tết của người dân tăng khá cao.
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, thực hiện chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cam kết cung ứng nguồn hàng hóa ổn định với tổng giá trị trên 550 tỷ đồng; trong đó, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thịt gia súc, thịt gia cầm, cá, trứng, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, xăng dầu…
Đến thời điểm hiện tại, nguồn hàng hóa dự trữ ở các doanh nghiệp tham gia bình ổn tăng bình quân từ 20% - 30% so với các tháng thường trong năm, bảo đảm cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Phạm Tứ Phương cho biết, đến nay tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường Tết Nguyên đán năm 2019 trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến. Bên cạnh việc thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường, dịp Tết năm nay, Sở tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin giá cả hàng hóa với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố lân cận. Trong trường hợp giá cả hàng hóa trên thị trường có biến động bất thường sẽ kịp thời cung ứng và trao đổi hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường.
Song song đó, để bảo đảm chất lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phối hợp với ban quản lý chợ trên địa bàn kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn việc niêm yết giá hàng hóa, thu phí giữ xe theo đúng quy định; phối hợp với Trạm thú y các địa phương kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…
Khô cá kèo Bạc Liêu khan hàng. |
Nhiều mặt hàng Tết ở Bạc Liêu tăng giá
Khoảng một tuần qua, giá hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Bạc Liêu có chiều hướng tăng, có mặt hàng khan hiếm.
Các mặt hàng khô nông sản, đặc sản địa phương sử dụng làm quà biếu tết như: Tôm khô, cá khô, khô mực, tôm chao, khô trâu... tăng khoảng 5 - 10% so đầu tháng 1. Cụ thể, giá tôm khô loại I là 1,2- 1,4 triệu đồng/kg, khô mực 700.000 - 800.000 đồng/kg, cá kèo 320.000 - 350.000 đồng/kg, khô trâu 500.000 - 600.000 đồng/kg… Trong đó, khô cá kèo, khô mực, tôm một nắng, mực một nắng… đang khan hàng, giá còn tăng những ngày tới.
Theo một số hộ kinh doanh, những tháng cuối năm, thời tiết không thuận lợi, thiếu nắng để phơi khô hàng. Mặt khác, nhiều hộ kinh doanh nhận định sai thị trường nên nguồn hàng dự trữ có hạn, đẩy giá tăng mạnh. Ngoài mặt hàng khô, thủy sản tươi sống, rau củ quả, trái cây, hoa kiểng cũng được giá hơn năm trước. Đến ngày 25 tháng Chạp, nguồn hàng về chợ phục vụ Tết chưa nhiều trong khi đó sức mua tăng mạnh.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, năm nay, giá các mặt hàng nông, thủy, hải sản cũng ở mức cao, chỉ có giá tôm thẻ chân trắng không cao như mọi năm. Cụ thể, giá các loại thủy sản nguyên liệu như: Tôm, cua, cá…và hàng nông sản như lúa, gạo, gia súc, gia cầm đều ở mức cao. Trong đó, tăng giá nhiều nhất là tôm sú, cua biển, lợn, lúa…với mức tăng khoảng 15 - 20% so với đầu tháng 1.
Hiện giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg từ 160.000 - 180.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, tôm sú chạy oxy loại 30 con từ 300.000 đồng/kg; tôm thẻ nguyên liệu loại 80 -100 con từ 80.000 - 88.000 đồng/kg; cua gạch son 280.000 – 285.000 đồng/kg.
Cùng với đó, giá lúa tăng hơn 1.000 đồng/kg, lợn hơi tăng khoảng 500 đồng/kg.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng