Thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn gói gọn 2 từ "tiềm năng"
Đánh giá SUV 2019 BMW X5: Nhiều công nghệ tiên tiến / VNG ra thông cáo về việc sập datacenter khiến zalo và nhiều trang báo điện tử "chết lâm sàng"
Theo báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), năm 2018, tiếp tục đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong giai đoạn thứ 3, với tốc độ tăng trưởng trên 30% năm 2018 cùng nhiều hoạt động đầu tư sôi nổi vào thị trường của cả doanh nghiệp nội và ngoại, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục sẽ trở thành điểm đến thu hút giới đầu tư trong thời gian tới.
Báo cáo này cũng cho biết, các doanh nghiệp thuận lợi về hạ tầng viễn thông với chất lượng ổn định, các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhanh nhạy nắm bắt và đưa các công nghệ mới về thị trường Việt Nam. Về tổng thể chung doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi khi tham gia vào môi trường thương mại điện tử đầy hấp dẫn này.
Với sự tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015, Vecom tin tưởng thị trường thương mại điện tử trong nước sẽ đạt được mục tiêu 10 tỷ USD loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng vào năm 2020 nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.
Tuy nhiên, báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 cũng cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất bao gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics – giao hàng chặng cuối – hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.
"Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, có sự đầu tư lớn từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước... Tuy nhiên quy mô thị trường thương mại điện tử vẫn còn ở mức khiêm tốn, một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới hiện trạng này là do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức chưa cao dẫn đến giá trị mua sắm trực tuyến còn thấp", Vecom nhận định.
Theo Niên giám thống kê 2017 của Tổng cục Thống kê, 5 tỉnh thành có mức thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 cao nhất là: Tp. Hồ Chí Minh (5.109.000 VNĐ), Bình Dương (5.005.000 VNĐ), Hà Nội (4.875.000 VNĐ), Đà Nẵng (4.441.000 VNĐ), Bà Rịa-Vũng Tàu (4.413.000 VNĐ).
Năm địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 thấp nhất là Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Bình quân mức thu nhập của địa phương cao nhất (Tp. Hồ Chí Minh) gấp tới hơn 4 lần so với mức thu nhập bình quân của địa phương thấp nhất (Điện Biên).
Xét về nhóm chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, Tp. Hồ Chí Minh dẫn đầu (87,2 điểm), tiếp đó là Hà Nội (85,8 điểm), Bình Dương (74,6 điểm), Hải Phòng (72,5 điểm) và Bắc Ninh (68,0 điểm).
Đặc biệt khác với chỉ số về hạ tầng và nguồn nhân lực, chỉ số B2C không có nhiều sự chênh lệch lớn giữa nhóm các tỉnh thành dẫn đầu so với nhóm các tỉnh thành liền kề sau đó, điển hình là khoảng cách giữa Tp. Hồ Chí Minh (xếp thứ nhất) với Bắc Ninh (xếp thứ 5) mới chỉ chênh nhau gần 20 điểm. Qua đó có thể thấy mức độ phát triển B2C giữa nhóm các thành phố lân cận nhau là tương đối đồng đều.
Nhóm 5 tỉnh thành có chỉ số giao dịch B2C thấp nhất là Kon Tum (31,0 điểm), Bình Phước (30,9 điểm), Tuyên Quang (27,7 điểm), Lạng Sơn (27,1 điểm) và Bắc Kạn (25,4 điểm). Khoảng cách giữa tỉnh thành dẫn đầu (Tp. Hồ Chí Minh) và tỉnh thành thấp nhất (Bắc Kạn) là 61,8 điểm.
Điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2C trong cả nước là 45,7 điểm (tăng hơn một chút so với điểm số 42,4 điểm năm 2017), còn nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu có điểm trung bình (77,6 điểm) cao hơn tới gần 50 điểm so với điểm trung bình của nhóm 5 tình thành thấp nhất (28,4 điểm).
Từ kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp tại các địa phương và những thông tin liên quan, chỉ số Thương mại điện tử 2019 cho chúng ta thấy rõ khoảng cách số giữa các địa phương chưa có dấu hiệu giảm mà thậm chí vẫn tiếp tục tăng.
Một vấn đề khác cũng góp phần không nhỏ cho việc tăng tốc của thị trường thương mại điện tử đó là an ninh thanh toán. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, theo Khảo sát về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, bảo mật vẫn là vấn đề mà người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á quan tâm hàng đầu với 67% người bày tỏ sự quan ngại về độ an toàn của thông tin cá nhân họ khi thanh toán bằng điện thoại.
Khi được hỏi về 3 lý do lo ngại nhất khi sử dụng điện thoại để thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam liệt kê những trường hợp như khi họ mất điện thoại, điện thoại bị hack hoặc xâm nhập trái phép vào dữ liệu cá nhân, và điện thoại bị nhiễm virus hay cài đặt phần mềm độc hại.
Do đó, chỉ nhìn vào các số liệu này có thể thấy, có lẽ sự phát triển này vẫn đa số nằm ở nhóm địa phương phát triển mà điển hình là hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thử thách lớn đối với thương mại điện tử Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao