Thị trường

Thủy sản Việt và mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' ở thị trường EU năm 2022

Thái Lan, Philippines đã được Ủy ban châu Âu (EC) 'gỡ' thẻ vàng. Điều đó có nghĩa nếu triển khai quyết liệt các giải pháp thì không có lý do gì ngành thủy sản Việt Nam không lấy lại được 'thẻ xanh'. Mục tiêu mà ngành thuỷ sản đặt ra là năm 2022 sẽ gỡ được "thẻ vàng" ở thị trường EU.

Hà Nội: Mỗi ngày có khoảng 10 tấn rau ùn ứ / Không có lý do gì châu Âu áp thẻ đỏ với thủy sản Việt Nam

Tuy nhiên, trước khi bàn tới viễn cảnh tận dụng cơ hội từ thị trường EU sau khi thủy sản được gỡ "thẻ vàng", thì ngành cũng cần nhìn rõ những rủi ro nếu bị EC nâng mức phạt từ thẻ vàng lên thẻ đỏ để có giải pháp khắc phục tình hình này.

Cửa thị trường sẽ đóng nếu bị phạt 'thẻ đỏ'

Theo đó, báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Ngân hàng Thế giới vừa công bố đã đưa ra những con số về mức độ thiệt hại khi thủy sản Việt Nam bị EC phạt thẻ vàng.

go-the-vang-cho-Hai-san-VN-4197-16285839

Kỳ vọng năm 2022, ngành thủy sản có thể gỡ được thẻ vàng từ thị trường EU.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết "thẻ vàng" IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU. Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thông, Đại học Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch, Việt Nam cũng cần nhìn bài học kinh nghiệm từ Thái Lan trong việc gỡ "thẻ vàng". Nếu không gỡ được "thẻ vàng", mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 16-18 tỷ USD vào năm 2030 rất xa vời.

Cụ thể, Thái Lan đã thực hiện rất nhiều giải pháp, hành động mạnh mẽ để chống khai thác thủy sản trái phép. Sau khi gỡ được "thẻ vàng", nước này vẫn tiếp tục hành động để hướng tới chiến lược phát triển nghề cá, tăng cường công cụ giám sát về truy xuất nguồn gốc.

 

"Họ không chỉ hoàn thiện truy xuất nguồn gốc với khai thác, mà còn với sản phẩm nuôi trồng. Đây là điểm mạnh để phát triển thương hiệu, phát triển bền vững với ngành thủy sản của Thái Lan...", ông Thông cho biết.

Khó cũng phải làm

Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Hương Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc công ty TNHH Hải Nam, cảm nhận rõ nét những khó khăn khi EC cảnh báo thẻ vàng.Theo bà, giải pháp mà phía DN đưa ra là không mua hàng từ các tàu thuyền đánh bắt bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc mua hàng từ các tàu đánh bắt hợp pháp cũng nhiều khó khăn bởi với mỗi mặt hàng đều phải có giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc ở từng tàu thuyền khai thác khiến DN tốn nhiều nhân lực, vật lực.

"Đây là nút “nghẽn cổ chai”, trong thời gian tới Nhà nước cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá và làm hệ thống dữ liệu nghề cá để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có dữ liệu và kịp thời cung cấp cho đối tác", bà Sắc nói.

Nhìn nhận từ bài học của Thái Lan, bà Sắc cho biết họ áp dụng cách làm như những tàu cá nào bị vi phạm sẽ sơn đen, lấy dây xích khóa lại không cho đi khai thác... Điều này giúp ngăn chặn triệt để tình trạng bắt trái phép.

 

Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ đang nỗ lực để EC gỡ thẻ vàng cho Việt Nam. Trong gần 4 năm qua, chúng ta đã thể hiện quyết tâm rất lớn về việc chống khai thác trái phép. Song còn những vấn đề tồn tại thực tiễn là do hiện trạng nghề cá của Việt Nam.

Cũng theo ông Hùng, Thái Lan mất gần 4 năm mới gỡ được “thẻ vàng”, trong khi họ chỉ có gần 6.000 tàu. Việt Nam với một nghề cá quy mô nhỏ, số lượng tàu cá rất lớn, 94 nghìn tàu cá, trong đó có hàng nghìn tàu khai thác ngoài khơi, trải dài tại nhiều tỉnh. Do đó, việc đáp ứng các quy định của EC về IUU không thể thực hiện ngay trong “một sớm, một chiều”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng với các nỗ lực theo từng năm, từng kỳ đánh giá của EC, chúng ta cũng có thể có niềm tin nỗ lực của mình được EC ghi nhận, điều này làm cơ sở để đặt mục tiêu sang năm 2022 gỡ được thẻ vàng, lấy lại thẻ xanh.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng những con số, thông điệp từ báo cáo tác động trên cho thấy cần nâng cao ý thức để sớm gỡ được thẻ từ thị trường EU.

"Tôi đã xuống từng cảng cá, dở từng quyển số ghi nhật ký hành trình để nắm bắt thực trạng. Các đồng chí lãnh đạo Chi cục thủy sản, Sở NN&PTNT có lẽ cũng chưa quan tâm nhiều lắm. Nếu quan tâm, làm bài bản thì chúng ta sẽ sớm được gỡ thẻ vàng", ông Tiến nói.

 

Sắp tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ sửa 2 Nghị định, 8 Thông tư và bổ sung thêm 1 Thông tư để hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của EC. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: "Tỉnh nào tỷ lệ tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình dưới 30% thì phải phê bình, tỉnh nào chỉ lập biên bản xử phạt tàu cá vi phạm đánh bắt trái phép thì cũng không được".

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm