Không có lý do gì châu Âu áp thẻ đỏ với thủy sản Việt Nam
DNVN - TS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, không có lý do gì để châu Âu áp thẻ đỏ với thủy sản Việt Nam bởi gần 4 năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn là muốn châu Âu gỡ thẻ vàng để về thẻ xanh.
TP Hồ Chí Minh: Xem xét mở lại chợ truyền thống, hình thành điểm bán nhỏ cung ứng hàng tươi sống / Hà Nội: Mỗi ngày có khoảng 10 tấn rau ùn ứ
Kịch bản thẻ đỏ khó xảy ra
Cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng đối với thủy sản khai thác Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với lý do những nỗ lực của Việt Nam vẫn chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp (IUU).
Gần 4 năm trôi qua, đến nay Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ vàng. Trong khi đó, thẻ vàng của EC đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NDO)
Tại hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 10/8, TS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, ít nhất trong năm nay và năm tới, châu Âu chưa thể áp thẻ đỏ với thủy sản Việt Nam.
Lý do được ông Hùng đưa ra là gần 4 năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn là muốn châu Âu gỡ vàng để về thẻ xanh chứ không phải là buông. Trong khi đó, đặc trưng nghề cá nước ta quy mô nhỏ, số lượng tàu cá rất lớn với 94.000 tàu cá, 31.000 tàu cá khai thác ngoài khơi, trải dài trên 28 tỉnh, thành, điều kiện ngư dân của mình còn khó khăn.
"Thái Lan phải mất gần 4 năm mới gỡ được thẻ vàng, trong khi đó họ chỉ có 6.000 tàu cá. Với đặc thù về điều kiện kinh tế xã hội và nghề cá, tôi nghĩ với thời điểm hiện tại Chính phủ đã rất cố gắng và vào cuộc rất quyết liệt, những tồn tại cần phải có thời gian để giải quyết chứ không thể một sớm một chiều", TS. Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, một số nước như Campuchia, Srilanka... sau khi bị EU áp thẻ vàng, họ vào cuộc rất chậm, một số nước không làm. Nhưng Việt Nam đã vào cuộc chủ động với tâm thế sớm được EU gỡ cảnh báo thẻ vàng, và hướng tới nghề cá phát triển bền vững.
"Hiện Việt Nam vẫn rất tích cực thì không có lý do gì mà châu Âu áp thẻ đỏ. Theo tôi, thời gian tới, nếu Việt Nam vào cuộc sâu hơn, quyết liệt hơn, kịch bản thẻ đỏ là khó xảy ra", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định.
Đồng quan điểm với TS. Hùng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, với những nỗ lực qua từng năm và mỗi kỳ châu Âu đánh giá, cùng với hiện trạng đến giờ này theo các khuyến cáo của châu Âu thì Việt Nam có niềm tin rằng các nỗ lực của ta đã được châu Âu ghi nhận, và sang 2022 châu Âu sẽ gỡ thẻ vàng như mục tiêu nước ta đặt ra.
Kinh nghiệm gỡ thẻ vàng từ Thái Lan
Tháng 1/2019, EU tuyên bố chính thức dỡ bỏ thẻ vàng cho Thái Lan để ghi nhận những tiến bộ đáng kể mà Thái Lan đã đạt được trong việc giải quyết vấn nạn khai thác thủy sản IUU kể từ năm 2015.
Ông Nguyễn Tiến Thông, Đại học Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch, Chuyên gia Tư vấn của VASEP chia sẻ, ngay khi bị thẻ vàng, Chính phủ Thái Lan đã xác định đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và đưa vào trong chương trình nghị sự của quốc gia phải giải quyết gấp và dứt điểm. Thái Lan cam kết hành động mạnh mẽ đối với việc khai thác IUU và nạn buôn người, tiến tới một đất nước không có đánh bắt IUU.
"Chính phủ nước này cũng thay đổi ngay lập tức khung pháp lý về thủy sản cũ bằng nghị định mới (Nghị định khai thác 25). Giới chuyên gia của chúng tôi coi Nghị định khai thác 25 của Thái Lan là quy định rất mạnh mẽ để giải quyết bài toán thẻ vàng. Ngoài ra, hệ thống giấy phép đánh bắt mới được ban hành bao gồm cả việc kiểm soát và loại bỏ đánh bắt quá mức. Xây dựng chiến lược mới đối phó với khai thác IUU và hướng tới phát triển bền vững", ông Thông cho biết.
Chính phủ Thái Lan còn thành lập một trung tâm điều phối để đối phó với việc khai thác IUU, theo đó làm việc cùng với các cơ quan công, tư và hiệp hội nhằm tháo gỡ thẻ vàng sớm nhất có thể; kêu gọi sự tham gia của khu vực tư, thành lập lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ và đáp ứng mọi yêu cầu của Chính phủ.
"Việc các cơ quan chức năng Thái Lan hợp tác tích cực với EC để cải cách toàn diện cũng như thay đổi cơ cấu hệ thống chính sách và luật pháp trong nghề cá nhằm hạn chế đánh bắt bất hợp pháp đã mang lại kết quả tích cực. Kinh nghiệm từ Thái Lan là bài học để Việt Nam có thể tham khảo", ông Thông nói.
Theo đánh giá của ông Thông, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi.
Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo