Thị trường

Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài cuối: Khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu

Với tiến trình hội nhập đã và đang diễn ra, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang không ngừng được nâng lên.

Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 1: Cuộc đua chính trị và vận mệnh kinh tế toàn cầu / Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 2 : Những yếu tố định hình kỷ nguyên mới

Chú thích ảnh
Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại kho chứa hàng Tân Cảng Cát Lái. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Cùng với đó, Việt Nam đã phát triển được một số ngành kinh tế mũi nhọn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Việt Nam ngày càng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và đạt thặng dư thương mại. Điều này cho thấy, sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường toàn cầu.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, kiêm Chánh Văn phòng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế thương mại quốc tế cho biết: Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã tích cực ký kết và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) với các đối tác chiến lược như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Tiến trình này đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới, mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế. Việc gia nhập WTO còn mang lại những ảnh hưởng tích cực tới xã hội, nhất là trong việc giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống của người lao động.

Theo ông Trịnh Minh Anh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua các chỉ tiêu như từ mức 48,5 tỷ USD vào năm 2007, tăng lên khoảng 264 tỷ USD vào năm 2019 và ước tính xấp xỉ 336 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024. Tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại chủ lực của Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel và LG đã đầu tư vào Việt Nam, giúp nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng là yếu tố tăng trưởng xuất khẩu cũng đã giúp cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam từ chỗ thường xuyên nhập siêu trước khi gia nhập WTO đã dần chuyển sang xuất siêu, nhất là trong giai đoạn từ 2011 trở đi. Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất và cung ứng của Việt Nam được cải thiện, nhờ vào cơ hội thương mại mà WTO mang lại.

Khẳng định việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã đem lại ngày càng nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhấn mạnh: Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và điều đó chính là cơ hội không thể so sánh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nêu điển hình: Hiệp định RCEP đã tạo ra cơ hội để Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất, khắc phục tình trạng gia công bằng cách thúc đẩy mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô, thu hút đầu tư các ngành sản xuất; tăng cường chuyên môn hoá vào các ngành mà Việt Nam đang có lợi thế... Từ đó, cũng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong chuỗi cung ứng đến Việt Nam; giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ trong RCEP. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan với các đối tác trong RCEP.

Cụ thể hơn, bà Trang chia sẻ, hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc lớn vào vải nhập khẩu do các doanh nghiệp FDI cung cấp, đặc biệt là các thương hiệu lớn, đã có sẵn chuỗi cung ứng riêng. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công cho nước ngoài theo nguồn cung nguyên liệu, mẫu mã thiết kế được các đối tác nước ngoài chỉ định. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của ngành may mặc thể hiện thông qua việc nhập khẩu thành phẩm ngành may mặc là quần áo từ các thị trường lớn trong khu vực RCEP đang giảm hoặc tăng chậm lại, trong khi đó, xuất khẩu và FDI vẫn tăng cao.

Điều này đã giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị thế Top 3 thế giới về xuất khẩu hàng may mặc. Không những thế, RCEP sẽ giúp đẩy nhanh việc thu hút FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành may mặc vào Việt Nam. Nhờ mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và các quy tắc linh hoạt khác, cũng như khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào thấp hơn từ các đối tác lớn trong RCEP.

Mới đây nhất, sự kiện Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) (Hiệp định CEPA). Đây là sự kiện mang tính dấu mốc lịch sử tạo đột phá lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi. Quan trọng hơn, Hiệp định này giữ vai trò là điểm nhấn ghi nhận kết quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong năm nay của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Đây là hiệp định FTA truyền thống với toàn bộ các nội dung vẫn thường có trong các hiệp định thương mại tự do khác nhưng với tiêu chuẩn cao và bao gồm nhiều yếu tố để chuẩn bị cho các xu thế phát triển của thế giới trong tương lai. Với những cam kết mang tính ưu đãi, cân bằng lợi ích giữa hai bên, hiệp định này sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ hiệp định, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam; mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Có thể nói việc ký kết Hiệp định CEPA với UAE được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực thị trường Trung Đông. Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động, có quy mô kinh tế lớn nhưng lại chưa được doanh nghiệp Việt Nam để ý trong giai đoạn trước đây.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm